Tết là hy vọng...
Những ngày cuối năm, không khí Tết len lỏi vào các buồng giam tại Trại giam Long Hòa, tỉnh Long An. Tại buồng giam của những nữ phạm nhân đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, ôm con vào lòng, nhiều nữ phạm nhân bỗng trực trào nước mắt. Họ ân hận...
Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Long Hòa (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an) cho biết, trong số phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam Long Hòa, có gần 1.000 phạm nhân nữ, đặc biệt trong đó có một số phạm nhân nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, phạm nhân đang mang thai. Đa số các phạm nhân nữ này có hoàn cảnh éo le, không có người thân quan tâm, thăm gặp. Đối với những nữ phạm nhân nuôi con dưới 36 tháng tuổi, phía trại giam đã bố trí thời gian phù hợp để các phạm nhân nữ có thể chăm sóc, nuôi dưỡng con trong trại tốt nhất. Bởi mục tiêu của những quản giáo trong trại luôn đặt quyền lợi trẻ em lên cao nhất.
Đa phần những phạm nhân nữ đang thụ án ở đây mà chúng tôi tiếp xúc đều liên quan đến ma túy. Có người vào trại rồi mới biết mình đã mang thai; có người thì có con nhỏ nhưng gia đình không quan tâm, không người thân, không ai chăm sóc nên con cái của họ dưới 36 tháng tuổi được phép đưa vào trại sống chung cùng mẹ.
Quấn thêm cho con lớp khăn ấm, phạm nhân Lê Thị B.T. (quê Long An) cố dỗ dành cho con ngủ thêm chút nữa. Nhiều phạm nhân nữ khác cũng xúm lại dỗ dành bé. Không khí Tết ùa về, nhiều người rôm rả bàn chuyện sắp được gói bánh chưng, bánh tét, sắp được trang trí lại buồng giam đón Tết. Mong mỏi của nhiều phạm nhân nữ là được cùng con, cùng gia đình đón Tết ngoài cánh cổng trại giam. Nhưng cũng có nhiều phạm nhân nữ có số phận hẩm hiu, gia đình không quan tâm nên Tết đến, họ nhận được sự động viên, quan tâm của cán bộ quản giáo, những lời căn dặn, dạy bảo trước khi trở về tái hòa nhập với cộng đồng và cả kiến thức trong việc chăm sóc, dạy dỗ con mình sau khi ra trại. Đó là hành trang quan trọng giúp họ trở về hòa nhập với cuộc sống.
Nhập trại vào tháng 8/2023 lúc đang mang thai được 6 tuần, lúc đầu Lê Thị B.T cũng hoang mang vì không biết trong lúc chấp hành án, đang mang thai, liệu mình sẽ ra sao. Nhưng những lo lắng đều tan biến khi T. được cán bộ quản giáo chăm sóc tận tình như người thân. “Trong những tháng thai kỳ, tôi được cán bộ đưa đi kiểm tra y tế rồi bố trí khu vực buồng giam, chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ. Hằng tháng được đưa đi khám thai định kỳ cho đến khi sinh. Trong phòng sinh, nước mắt tôi đã rơi vì sự tận tình của các quản giáo, bởi ở ngoài đời, có lẽ lúc sinh nở quan trọng như thế này chẳng có ai quan tâm, bên cạnh tôi như thế!” - phạm nhân T. chia sẻ.
Khi được hỏi đến, phạm nhân Huỳnh Thị Th. (quê Tiền Giang) thoáng chút tủi thân, nước mắt chực trào. Ngày Th. nhập trại, người thân dường như không quan tâm, không thăm hỏi, động viên. Trong lúc bị bắt, Th. đang mang thai tháng thứ 6. Từ lúc nhập trại được sự chăm sóc của quản giáo, Th. vơi đi những lo lắng. “Khi đi sanh, những cán bộ quản giáo nữ coi tôi như người thân, chăm từ lúc vào viện cho đến khi trở lại trại. Nếu không có sự bao dung, ân cần như vậy, có lẽ tôi không còn tin tưởng vào bất cứ điều gì, ngay cả gia đình mình. Tôi chỉ mong cải tạo tốt để được ở cùng con, được ôm ấp, dạy bảo con nên người, tránh rơi vào vòng luẩn quẩn như mẹ nó!”.
Những ngày giáp Tết, các phạm nhân nữ có con nhỏ đều không muốn nhắc lại quá khứ tội lỗi của mình. Họ muốn chôn chặt để khi được hòa nhập lại với cuộc sống, họ phải mở cho mình một tương lai mới, để con mình không phải mặc cảm về tội lỗi do mẹ nó gây ra. Nhìn các phạm nhân nữ khác tíu tít bên con của mình, được chụp ảnh chung, Thạch Thị Chi (quê Trà Vinh) chạnh lòng, rơi nước mắt. Phạm nhân Chi cũng có những ngày tháng hạnh phúc bên con trong trại giam nhưng khi bé qua 36 tháng tuổi, theo quy định cháu được chuyển đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Long An chăm sóc. Lúc này, Chi mới cảm nhận được cái giá của sự tự do, cái hạnh phúc nhỏ nhoi khi được cận kề bên con.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống bươn chải với đủ thứ nghề, rồi lập gia đình không hạnh phúc, Chi trải qua nhiều đời chồng. Khi dính đến buôn bán ma túy, Chi bị bắt trong lúc đang nuôi con gái 26 tháng tuổi. Lo lắng nếu nuôi con đến 36 tháng tuổi mới chấp hành án thì con mình không biết sẽ gửi cho ai chăm sóc nên Chi quyết định đưa con gái cùng vào thi hành án. Khi thụ án được 1 năm, con gái của Chi cũng vừa tròn 36 tháng, theo quy định sẽ không được ở cùng mẹ trong trại giam. Do không có người nhận về nuôi nên con gái Chi được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Hôm chúng tôi đến cũng là lúc Chi được gặp mặt con gái sau nhiều tháng xa cách. Giọt nước mắt nhớ thương cứ tuôn trào trên gương mặt khắc khổ của Chi. Ôm con gái vào lòng, Chi luôn miệng xin con tha thứ: “Xin lỗi con! Mẹ sẽ cố gắng cải tạo tốt, ra tù mẹ sẽ cố gắng làm lại, cho con một cuộc sống tốt, cho con ăn học đàng hoàng. Mẹ không muốn tiếp tục lầm lỗi để con mất đi tương lai tươi sáng phía trước!”.
Có câu nói, “Vũ trụ có rất nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan vĩ đại nhất là trái tim người mẹ”. Dẫu cho mẹ có là ai, mẹ có từng lầm lỡ mắc sai lầm như thế nào thì tình yêu mẹ dành cho con vẫn là tình yêu thiêng liêng, lớn lao và là duy nhất. Khi được chứng kiến tình cảm của những nữ phạm nhân dành cho con mình trong trại giam, chúng tôi mới thấm thía câu nói này. Mỗi nữ phạm nhân nuôi con nhỏ trong Trại giam Long Hòa đều có hoàn cảnh, khó khăn và nỗi niềm khác nhau nhưng với tình yêu thương con vô bờ bến như thế, mong rằng cánh cửa trại giam sẽ khép lại quá khứ tội lỗi của họ để khi cánh cửa trại giam được mở ra, cuộc đời của những nữ phạm nhân này sẽ thay đổi. Họ sẽ thêm quý cuộc sống tự do, tự tìm cho mình nghị lực sống khi trở về với xã hội và chăm sóc cho những đứa con của mình nên người. Nhưng trước mắt, những nữ phạm nhân này cần cố gắng cải tạo, rèn luyện thật tốt thì ngoài kia, xã hội vẫn luôn chào đón họ.
Tiếp xúc với các phạm nhân nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trại giam, chúng tôi nhận thấy, mỗi phạm nhân nữ đều có một hoàn cảnh, có một câu chuyện sai lầm trong quá khứ. Sai lầm này đã khiến họ phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân, đánh đổi bằng những ngày cải tạo trong trại giam. Tuy nhiên, nhiều phạm nhân nữ ở đây thổ lộ, họ không buông xuôi bởi bên cạnh họ, các cán bộ quản giáo của Trại giam Long Hòa luôn ân cần, nhẹ nhàng như người mẹ, người chị giáo dục, động viên, giúp đỡ họ cải tạo tốt, nuôi con ngoan khiến họ có thêm động lực trong cuộc sống.
Rời Trại giam Long Hòa, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh những đứa trẻ bụ bẫm tíu tít bên mẹ, được nữ cán bộ quản giáo chia kẹo, chia quà, đồ chơi khiến nụ cười của những người mẹ là phạm nhân nữ thêm phần rạng rỡ. Mong rằng, thời gian cải tạo đủ để các phạm nhân hiểu được cuộc sống tự do, hạnh phúc, niềm sung sướng khi được sống cạnh con mình.
Mong họ sẽ sớm có những cái Tết cùng con cái ở ngoài cánh cổng trại giam. Và mùa xuân hi vọng vẫn luôn chờ họ ở phía trước...