Tết Hàn thực có nên cúng bánh nhiều màu?
Theo quan niệm dân gian, ngày 3/3 âm lịch gọi là Tết Hàn thực. Vào ngày này, các gia đình Việt thường làm bánh trôi, bánh chay để dâng cúng tổ tiên.
Vì sao lại cúng và ăn bánh trôi, bánh chay vào Tết Hàn thực?
Tết Hàn thực có nghĩa là tết ăn đồ lạnh, vốn là một phong tục của người Trung Quốc truyền sang, tuy nhiên khi du nhập Việt Nam đã có nhiều thay đổi để phù hợp với văn hóa, phong tục của người Việt.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Việc sử dụng bánh trôi và bánh chay để thờ cúng trong Tết Hàn thực được xem như là một biểu hiện của văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Cả hai loại bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm ngon, đại diện cho thành quả từ những ngày lao động vất vả, được dâng lên ông bà và tổ tiên để tỏ lòng thành kính, tri ân.
Hơn nữa, bánh trôi có hình dạng tròn, gợi nhắc đến câu cầu chúc "Mẹ tròn con vuông"; còn bánh chay có vỏ trắng mang tính âm, nhân đậu xanh mang tính dương, thể hiện âm dương hòa hợp, cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt.
Tục làm bánh trôi bánh chay còn được cho là để nhắc đến truyền thuyết bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên núi theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Như vậy, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.
Cúng bánh trôi, bánh chay nhiều màu hay màu trắng?
Bánh trôi bánh chay của Việt Nam xưa chỉ có bột nếp trắng, bên trong nhân đỗ hoặc nhân đường.
Từ thời xưa, thứ bánh trắng trong này cũng đã đi vào những câu thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương, gắn liền với thân phận và những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt như: sự tảo tần, trong trắng, hy sinh, lam lũ…, dù ba chìm bảy nổi nhưng không làm mất đi bản chất tốt đẹp của mình. Chính vì thế, ngoài ý nghĩa hướng về cội nguồn, ngày Tết Hàn thực ở Việt Nam còn được xem là ngày Tết tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ.
Hiện nay, khi đời sống phát triển hơn, nhiều người thích sáng tạo bánh trôi bánh chay nhiều màu sắc trông đẹp mắt.
Tuy nhiên thờ cúng dịp 3/3 mang ý nghĩa thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và ăn đồ nguội không cầu kỳ lễ vật và thể hiện sự trong sáng, thanh tịnh. Bởi thế khi thắp hương nên thắp hương bánh trôi bánh chay vỏ trắng truyền thống để thể hiện sự trang trọng trong thờ cúng, còn việc bày mâm cỗ và thưởng thức bánh trôi bánh chay nhiều màu.
Tuy nhiên điều này cũng tùy thuộc vào niềm tin tâm linh của mỗi người.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Có nên thay thế bánh trôi, bánh chay bằng hoa quả?
Theo truyền thống, bánh trôi, bánh chay là lễ vật không thể thiếu trong Tết Hàn thực. Tuy nhiên, một số người không yêu thích món ăn này do nhiều tinh bột và đường nên nếu chỉ mua bánh về để cúng rồi bỏ thì rất lãng phí, phải chăng thay thế bằng hoa quả?
Thực tế, lễ vật luôn luôn mang ý nghĩa tượng trưng. Nếu không thích ăn bánh trôi, bánh chay, chúng ta chỉ cần mua mỗi thứ một ít. Ý nghĩa và kết quả của mọi lễ cúng không phụ thuộc vào "mâm cao cỗ đầy" mà quyết định bởi lòng thành của người cúng.
Bánh trôi, bánh chay sau khi cúng xong có thể thêm gia vị, hương liệu hoặc chế biến lại thành món ăn mình ưa thích. Cũng có thể đem cho tôm cá hoặc loài động vật khác ăn với ý nghĩa "thí thực" để tránh lãng phí và "được lộc".