Tết của sinh viên ba miền: Những dự định và sắc màu truyền thống Bắc - Trung - Nam
Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp đoàn viên, mà còn là cơ hội để mỗi người nhìn lại một năm đã qua và hướng đến những điều mới mẻ. Với các bạn sinh viên, Tết mang đến những trải nghiệm vừa quen vừa lạ, phản ánh nét văn hóa đặc trưng của từng miền Bắc, Trung, Nam. Từ gói bánh chưng bên bếp lửa ở miền Bắc, chuẩn bị mâm cỗ đơn sơ nhưng đậm nghĩa tình ở miền Trung, đến không khí rộn ràng với sắc mai vàng miền Nam, mỗi câu chuyện đều là một mảnh ghép đầy màu sắc cho bức tranh Tết Việt.
Tết miền Bắc: Nét ấm áp trong những giá trị truyền thống
Với bạn Hoàng Tiến Đạt, sinh viên Trường Đại học FPT Hà Nội, Tết là khoảng thời gian quý giá để tạm dừng cuộc sống bận rộn và sum vầy cùng gia đình. “Mình thường dọn dẹp, trang trí nhà cửa và đi chợ Tết cùng bố mẹ. Năm nay, mình dự định tự lái xe đi chúc Tết họ hàng và bạn bè – một trải nghiệm mới mà mình rất mong chờ bởi năm qua mình cuối cùng đã thành công rinh về chiếc bằng lái xe”, Đạt chia sẻ.
Trong không gian se lạnh đặc trưng của miền Bắc, hương vị Tết dường như càng thêm đậm đà. Đạt đặc biệt yêu thích món nem rán – không chỉ vì vị ngon khó cưỡng mà còn bởi đó là món cậu luôn đảm nhận mỗi dịp Tết. “Cảm giác đứng bên bếp, chờ từng chiếc nem chín vàng đều và trò chuyện cùng mọi người thật sự mang lại sự ấm cúng và hoài niệm”.
Bên cạnh những mâm cỗ truyền thống, Tết miền Bắc còn sôi động với các hoạt động văn hóa. Tại quê hương của Đạt, giải bóng chuyền dịp Tết là sự kiện mà Đạt luôn mong chờ: “Đây là dịp để mọi người cùng nhau thi đấu, cổ vũ và tạo không khí sôi động, vui tươi. Đặc biệt mình rất thích thể thao, nên những trận đấu này luôn khiến mình hào hứng và cảm thấy gắn kết hơn với mọi người”.
Tết miền Trung: Gắn bó với phong tục và văn hóa Cố đô
Tại Huế, bạn Võ Uyên Phương, coi Tết là dịp để trở về và tái kết nối với gia đình sau một năm bận rộn. Gia đình Phương duy trì truyền thống thăm viếng mộ tổ tiên, dọn dẹp và chăm sóc phần mộ vào cuối năm, để mời ông bà đã khuất “về nhà ăn Tết.” Phương chia sẻ: “Đây không chỉ là nét đẹp tâm linh mà còn là cách để chúng mình gắn kết và nhắc nhở nhau về cội nguồn.”
Huế mang đến không khí Tết rất riêng với những lễ hội đặc sắc như đua ghe trên sông Hương, vật võ làng Sình hay hội bài chòi. Phương đặc biệt ấn tượng với chương trình “Phong vị Tết Huế”, nơi tái hiện rõ nét phong tục và nghi lễ cung đình: “Những âm điệu ca Huế, nhã nhạc cung đình và các trang phục truyền thống đã khiến mình cảm thấy tự hào về văn hóa quê hương,” cô bộc bạch.
Ngoài ra, Phương luôn dành thời gian khám phá các di tích, đền đài vào dịp đầu năm. “Tết là dịp để bản thân có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn vẻ đẹp của quê cha đất tổ. Nếu như thường ngày sự bận rộn và guồng quay cuộc sống khiến mình quên đi những giá trị đẹp đẽ ấy thì Tết lại là cơ hội để mình có thể nhìn ngắm kỹ hơn những điều đó. Dạo gần đây mình vừa thực hiện một chuỗi các chuyến thăm những ngôi chùa nổi tiếng của Huế như Thiền Viện Trúc Lâm, Huyền Không Sơn Thượng…”
Tết miền Nam: Nhộn nhịp, rực rỡ sắc xuân
Khác với sự tĩnh lặng của miền Bắc hay nét cổ kính của miền Trung, không khí Tết miền Nam lại sôi động và tràn đầy sức sống. Phan Ngọc Minh, sinh viên năm nhất Học viện Ngoại giao, chia sẻ: “Tết ở miền Nam luôn rực rỡ với các chợ hoa xuân và những cành mai vàng khoe sắc khắp các con đường. Không khí lễ hội tại đây mang đến cảm giác gần gũi, vui tươi mà mình rất thích.”
Ngọc Minh cũng yêu thích việc cùng gia đình gói bánh Tét vào đêm 30 Tết, một truyền thống mà đại gia đình cô luôn duy trì. “Cả nhà quây quần, vừa làm vừa kể chuyện, cảm giác thật sự ấm áp,” cô nói. Ngoài ra, Minh luôn có thói quen khai bút đầu năm, viết ra những mục tiêu và ước nguyện như một cách “lên dây cót tinh thần” cho năm mới.
Là một tân sinh viên xa nhà, Tết năm nay đối với Ngọc Minh càng đặc biệt: “Trải qua một khoảng thời gian xa nhà để học tập, mình trân trọng hơn giá trị của sự sum họp và những khoảnh khắc bên gia đình. Nói vui thì mình thấy đi xa về nhận được nhiều “đãi ngộ đặc biệt” từ cả nhà lắm. Những câu chuyện về cuộc sống sinh viên, những trải nghiệm mới mẻ tại Hà Nội trở thành những chủ đề quen thuộc trong các mâm cơm gia đình của mình.”
Dù ở miền Bắc, Trung hay Nam, Tết trong mắt các bạn sinh viên vẫn giữ trọn vẹn ý nghĩa của sự đoàn viên và giá trị truyền thống. Như lời Đạt, “Tết giúp mình trân trọng những khoảnh khắc bên gia đình và bạn bè.” Hay như Phương chia sẻ: “Tết khiến mình thấy yêu hơn vẻ đẹp của văn hóa quê hương.” Và với Ngọc Minh, Tết là “bước lùi” để tự mình ngẫm nghĩ, tri ân và chuẩn bị cho hành trình sắp tới.