Tesla Cybertruck kém an toàn, người dùng cần chú ý điều gì?
Tesla Cybertruck đang trở thành mẫu xe bán tải điện 'ồn ào' nhất thế giới, khi tiếp tục gây hoài nghi và tranh cãi về độ an toàn khi liên tục xảy ra hàng loạt vụ tai nạn và dính lỗi trong thời gian qua.
Video: Xem thử nghiệm va chạm giữa Tesla Cybertruck và Ford F-150.
Tesla Cybertruck chạy điện là mẫu xe bán tải đậm chất ý tưởng, nó được ra mắt dạng concept lần đầu tiên vào tháng 11/2019 và phiên bản thương mại được chính thức công bố và bán ra vào 1/12/2023.
Cybertruck có 3 phiên bản gồm: RWD (dẫn động cầu sau), AWD (dẫn động 4 bánh toàn thời gian) và phiên bản cao cấp nhất Cyberbeast, cùng mức giá lần lượt từ 60.900, 79.990 và 99.990 USD (tương đương 1,46, 1,92 và 2,4 tỷ đồng). Mức giá này cao hơn nhiều so với giá xe mà Elon Musk từng công bố lần đâu tiên vào năm 2019 là 39.900, 49.900 và 69.900 USD ( tương đương 960 triệu, 1,2 tỷ và 1,68 tỷ đồng).
Hơn 1,9 triệu xe bán ra, 2 chiếc về Việt Nam
Tesla tiết lộ đã có 1,9 triệu đơn đặt hàng trong 4 năm qua. Trong tháng 12/2024 vừa qua, mới chỉ có thêm 10 xe được bàn giao tới khách hàng.
Tại thị trường Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất 1 chiếc Cybertruck màu bạc phiên bản "Foundation Series" dành cho những người mua đầu tiên được đưa về nhưng được đăng ký biển số Campuchia. Để có được bản này, người mua phải bỏ thêm 20.000 USD (khoảng 500 triệu đồng) so với bản thường. Đổi lại, bản này có thêm một số trang bị khác biệt.
Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng, một đại gia khác đã mạnh tay hơn khi mua chiếc Tesla Cybertruck màu đen và sẽ mang biển số Việt Nam. Xe đã có mặt ở nước ta và đang trong quá trình làm thủ tục đăng kiểm, đăng ký. Nếu đóng đầy đủ các loại thuế phí, có thể giá trị chiếc bán tải chạy điện này sẽ lên tới trên 5 tỷ đồng dù thuế tiêu thụ đặc biệt của ôtô điện chỉ vỏn vẹn 3%.
Tesla Cybertruck là mẫu bán tải điện gây tranh cãi lớn về thiết kế khi lấy cảm hứng từ những bộ phim khoa học viễn tưởng, trong đó vỏ xe làm từ loại thép không gỉ dày đến 3mm và được nhà sáng lập thương hiệu này giới thiệu rằng có thể chống đạn, dù chưa được kiểm chứng.
Nội thất xe thiết kế đơn giản như nhiều mẫu xe điện khác trên thị trường, với màn hình trung tâm kích thước lên tới 18,5 inch. Vô-lăng không mang hình tròn truyền thống, thay vào đó là kiểu dáng vuông vức như những chiếc phi thuyền trong phim viễn tưởng. Các tiện nghi cơ bản gồm hệ thống âm thanh 15 loa, sạc điện thoại không dây, trần kính toàn cảnh,…
Mẫu xe bán tải điện Tesla Cybertruck dài tới 5,9m, cao 1,9m và nặng tới 3 tấn. Sức mạnh của xe ở bản cao nhất lên tới 845 mã lực, tăng tốc từ 0-97 km/h chỉ trong 2,6 giây, ngang ngửa siêu xe McLaren F1 (mẫu siêu xe thể thao từng đạt kỷ lục xe chạy nhanh nhất thế giới năm 1998).
Dù thiết kế và hiệu năng ấn tượng nhưng có ít đại gia Việt quan tâm đến mẫu xe bán tải điện này do giá bán khá cao và không thực dụng.
Tesla Cybertruck kém an toàn?
Từ khi xuất hiện dưới dạng xe concept vào tháng 11/2019, Tesla Cybertruck đã gây tranh cãi kịch liệt trong làng xe. Thiết kế độc nhất vô nhị của mẫu xe này làm dấy lên lo ngại an toàn cho những người hay phương tiện bị đâm phải. Với quá nhiều góc nhọn bên ngoài xe, lo ngại trên quả thực hoàn toàn có cơ sở.
Khi quan sát các cuộc thử nghiệm va chạm trực tuyến của Tesla Cybertruck, các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn xe cộ đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Theo Reuters đưa tin, Adrian Lund, cựu Chủ tịch Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS), cho biết: "Vấn đề lớn là việc sử dụng lớp thép không gỉ dày sẽ khiến cho bộ khung vỏ của xe trở nên rất cứng. Như vậy, khi va chạm xảy ra, nếu người đi bộ đập đầu vào đó, nguy cơ chấn thương sẽ càng cao."
Trong khi đó, ông David Friedman, cựu Giám đốc Cục Quản lý Đường cao tốc và an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) nhấn mạnh nguyên lý: "Nếu va chạm với một phương tiện khác có vùng biến dạng mềm (vùng hấp thụ xung lực) và xe của bạn ít bị biến dạng thì nghĩa là, xe của họ đã hấp thụ lực tác động rất mạnh, trong khi xe của bạn sẽ vẫn cứng chắc". Điều này có nghĩa, chiếc xe còn lại trong vụ va chạm sẽ chịu tổn thất hư hỏng nặng nề.
Về lý thuyết, trên ôtô, các vùng hấp thụ xung lực (crumple zone) là các vùng ở đầu xe, đuôi xe, được thiết kế mềm hơn các vùng khác để có thể hấp thụ và phân tán lực tác động lên xe trong trường hợp xảy ra va chạm, từ đó giảm lực tác động đến mức thấp nhất tới khu vực khoang lái, giúp giảm thiểu nguy cơ thương tích nặng cho tài xế và hành khách bên trong. Các vùng mui xe, đuôi xe thường bị móp méo, lõm sâu khi xảy ra va chạm mạnh chính là mang ý nghĩa hấp thụ xung lực, giảm thiểu rủi ro cho người trong xe.
Tuy nhiên, Tesla Cybertruck có thiết kế siêu cứng và chắc chắn, ít biến dạng khi gặp va chạm. Vì thế, các chuyên gia an toàn giao thông buộc phải nghi ngờ về khả năng lực tác động tiếp tục truyền thẳng vào cabin và tới hành khách ngồi trong cũng như nguy cơ gây nguy hiểm lớn cho người hay xe bị va chạm với Cybertruck.
Ngoài ra, trọng lượng và tốc độ quá mạnh mẽ của Tesla Cybertruck cũng khiến các chuyên gia an toàn giao thông cảm thấy e ngại. Bà Julia Griswold, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông tại Đại học California cho rằng, trọng lượng và khả năng tăng tốc nhanh chóng của Tesla Cybertruck có thể trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng cho những người cùng tham gia lưu thông trên đường.
Hội đồng An toàn Giao thông châu Âu (một tổ chức phi lợi nhuận) cũng nêu ý kiến: "Một phương tiện có kích thước lớn, mạnh mẽ và trọng lượng lớn như vậy sẽ gây ra những rủi ro đáng kể cho người đi bộ, người đi xe đạp và các phương tiện khác trong trường hợp va chạm xảy ra". Thậm chí, hội đồng này còn bày tỏ hy vọng Tesla sẽ không giới thiệu Cybertruck cho thị trường châu Âu.
Tesla Cybertruck bị triệu hồi 7 lần/năm
Sau khoảng một năm được phân phối đến tay khách hàng, mẫu xe bán tải thuần điện - Tesla Cybertruck đang khiến không ít người dùng hoang mang, lo lắng khi liên tiếp dính lỗi liên quan đến nhiều bộ phận, hệ thống khác nhau dẫn đến việc Tesla Cybertruck bị triệu hồi tới 7 lần.
Cụ thể hàng loạt các loạt sự cố phần mềm, hệ thống phanh và hỗ trợ lùi xe, cụ thể là camera lùi… liên quan đến 27.185 xe Cybertruck được cho là không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn xe cơ giới.
Theo đó, trong một số điều kiện nhất định, hệ thống xe có thể không tắt hoàn toàn trước khi được lệnh khởi động lại. Nếu tài xế lùi xe trong khi điều này xảy ra, hình ảnh từ camera chiếu hậu có thể không hiển thị trong khoảng thời gian 2 giây theo quy định.
Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia (NHTSA) cho biết sau khi lái xe chuyển sang số lùi, màn hình camera lùi trên các xe Cybertruck có thể mất đến 6 - 8 giây mới hiển thị, chậm 4 - 6 giây so với quy định. Trong khoảng thời gian này người điều khiển phương tiện không nhận được sự hỗ trợ góc quan sát từ camera lùi. Do đó, các xe Tesla Cybertruck thuộc diện ảnh hưởng được cho là không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.
Vấn đề này cũng đã được Tesla khắc phục tương đối đơn giản bằng cách cập nhật qua mạng hệ thông điều khiển màn hình hiển thị bắt đầu được phát hành vào ngày 19.9 vừa qua.
Phía Tesla cũng có phản ứng khá nhanh sau khi phát hiện lỗi liên quan đến màn hình camera lùi trên Cybertruck. Tesla bắt đầu phát hiện ra vấn đề vào ngày 12.9 trong một cuộc kiểm tra nội bộ. Sau đó, công ty đã dành vài ngày tiếp theo để xem xét vấn đề và cuối cùng đã xác định được 45 yêu cầu bảo hành và bốn báo cáo thực địa có thể liên quan đến sự cố phần mềm.
Dù vấn đến được Tesla khắc phục khá nhanh, tuy nhiên việc Tesla Cybertruck liên tục phát sinh lỗi chỉ trong một thời gian ngắn cũng khiến không ít người đang sử dụng mẫu xe này lo lắng.