Bộ Không quân Mỹ cho biết, lực lượng không quân nước này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bảo vệ các căn cứ không quân tiền phương, vận hành máy bay tiếp dầu và thiết lập ưu thế trên không trong các cuộc xung đột trong tương lai. Ảnh Wikimedia
Báo cáo được Quốc hội Mỹ yêu cầu vào năm 2023, chỉ đạo Bộ Không quân xem xét lại thiết kế lực lượng của mình cho năm 2050. Với tiêu đề "Bộ Không quân vào năm 2050", báo cáo thảo luận về lộ trình chung mà bộ này nên thực hiện và những trở ngại mà bộ này sẽ gặp phải trong tương lai. Ảnh MNS
Trong đó, bản báo cáo dự đoán rằng, đến năm 2050 kẻ thù của Mỹ sẽ sở hữu tên lửa phòng không có tầm bắn cực xa lên tới 1.600 km. Đây sẽ là bước tiến lớn trong khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của đối phương, vì tầm bắn sẽ xa hơn nhiều so với các tên lửa phòng không hiện có. Ảnh Global Times
Báo cáo nhấn mạnh rằng, chiến tranh năm 2050 sẽ rất khác so với hiện nay. Cho đến nay, việc kiểm soát không phận được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu để tiến hành các hoạt động trên bộ và trên biển. Tuy nhiên, trong tương lai việc giành được ưu thế trên không hoàn toàn là rất khó khăn. Ảnh Defence Clopedia
Đầu tiên, việc mở rộng vũ khí phòng không gây ra rủi ro lớn cho Không quân Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với các đối thủ như Trung Quốc và Nga. Các chuyên gia dự đoán rằng, tên lửa đối không “có tầm bắn lên tới hơn 1.600 km và được hỗ trợ bởi các cảm biến trên không gian” có thể gây ra mối đe dọa cho các hoạt động của Không quân Mỹ. Ảnh Business Insider
Những vũ khí tầm xa như vậy sẽ đe dọa các phương tiện tiếp dầu của Mỹ. Việc hạn chế hoạt động của phương tiện tiếp nhiên liệu sẽ khiến số lần xuất kích của máy bay chiến đấu và máy bay ném bom giảm xuống. Điều này trở nên đặc biệt đáng lo ngại trong trường hợp xảy ra xung đột ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Mỹ sẽ không có lợi thế sân nhà.
Mặc dù báo cáo không nêu cụ thể tên đối thủ nào khi đưa ra dự đoán này, nhưng nó có thể liên quan đến sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang triển khai các hệ thống phòng không như S-400, có tầm bắn khoảng 400 km, HQ-9 có tầm bắn khoảng 300 km và HQ-22 có tầm bắn khoảng 170 km.
Nước này cũng đã phát triển hệ thống phòng không HQ-19 mới, thường được dùng để phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo và có tầm bắn ước tính từ 1.000 đến 3.000 km.
Báo cáo 2050 của Bộ Không quân Mỹ cũng nêu bật tính dễ bị tổn thương của các căn cứ không quân tiền phương trước tên lửa chính xác. Trung Quốc đã đạt được thành công đáng kể trong việc phát triển các hệ thống tầm trung phóng từ trên không, trên bộ và trên biển, tên lửa có thể vươn tới cái gọi là chuỗi đảo thứ hai (các đảo của Nhật Bản trải dài đến Guam).
Điều này sẽ khiến Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn nhiều trong việc thiết lập ưu thế trên không. Kẻ thù có thể tấn công các căn cứ tiền phương ở Guam, Nhật Bản và các vùng lãnh thổ Thái Bình Dương khác, khiến cho máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom của Không quân Mỹ không thể hoạt động từ các cơ sở này.
Hơn nữa, các máy bay chở dầu tiếp nhiên liệu di chuyển chậm và bay thấp rất dễ bị tên lửa không đối không và đất đối không của Trung Quốc tấn công. Vì vậy, Không quân Mỹ đang nỗ lực tăng cường khả năng sống sót cho các máy bay chở dầu.
Một báo cáo khác mới được công bố của Viện Hudson nêu rằng, nhiều căn cứ không quân của Mỹ thiếu sự bảo vệ kiên cố như ở các cơ sở của Trung Quốc, khiến chúng dễ bị tấn công bằng tên lửa. Trung Quốc có thể vô hiệu hóa máy bay quân sự và kho nhiên liệu của Mỹ tại Iwakuni, nằm trên đảo chính Honshu của Nhật Bản, chỉ với 10 tên lửa.
Trong quá khứ, Mỹ dễ dàng triển khai máy bay chiến đấu đến các sân bay tiền phương để tấn công mục tiêu mà không gặp phải nhiều mối đe dọa. Tuy nhiên, trước những đối thủ như Nga hoặc Trung Quốc, môi trường chiến đấu sẽ rất khác và thách thức hơn nhiều, máy bay Mỹ sẽ gặp nguy hiểm dù nó ở bất cứ nơi nào.
Bộ Không quân Mỹ khẳn định rằng, trong tương lai xu hướng tạo ra các nền tảng vũ khí lớn sẽ được thay thế bằng việc sử dụng các nền tảng vũ khí nhỏ hơn, cơ động hơn và chúng có khả năng kết nối mạng chặt chẽ. Đồng thời nhấn mạnh việc thiết lập ưu thế hoàn toàn trên không là điều vô cùng khó khăn, ưu thế trên không chỉ có thể đạt được theo từng đợt thông qua các hoạt động tổng lực.
Lê Quang