Tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 mà Iran tập kích Israel mạnh thế nào?

Tối 1/10, Iran đã mở cuộc tấn công ồ ạt với khoảng 180 tên lửa bắn vào Israel, trong đó có cả tên lửa siêu vượt âm Fattah-2. Đây là loại vũ khí mà Tehran từng tự hào tuyên bố có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ.

Đòn trả đũa dữ dội của Iran

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm thứ Ba cho biết họ đã bắn tên lửa vào Israel để đáp trả các cuộc tấn công chết người của Israel nhằm vào người dân ở Gaza và Lebanon, cũng như các vụ ám sát các nhà lãnh đạo cấp cao của IRGC, Hamas và Hezbollah.

 Iran đã bắn khoảng 180 tên lửa vào Israel để đáp trả những đòn tấn công gần đây của Israel vào một số chỉ huy quân đội Iran cũng như nhằm vào các lực lượng thân Iran như Hamas, Hezbollah hay Houthi. Ảnh: CNN

Iran đã bắn khoảng 180 tên lửa vào Israel để đáp trả những đòn tấn công gần đây của Israel vào một số chỉ huy quân đội Iran cũng như nhằm vào các lực lượng thân Iran như Hamas, Hezbollah hay Houthi. Ảnh: CNN

Báo động vang lên ở khắp Israel vào tối thứ Ba khi tên lửa rơi xuống các thành phố và thị trấn lớn, bao gồm cả Tel Aviv. Israel và đồng minh hàng đầu của nước này là Mỹ cho biết quân đội hai nước đã hợp tác để đánh chặn hầu hết trong số khoảng 180 tên lửa mà Iran bắn tới.

Theo Cơ quan cức hộ & cứu nạn Israel, chỉ có "một vài" vụ tấn công được ghi nhận ở miền trung và miền nam đất nước trong khi có hai người bị thương do mảnh đạn rơi xuống ở khu vực Tel Aviv. Nhiều căn cứ không quân của Israel đã bị nhắm mục tiêu nhưng phía Israel cho biết những vụ tấn công chỉ gây ra thiệt hại nhỏ.

Video tên lửa Iran bắn phá vào Israel (nguồn: Hindustan Times)

Chưa rõ những phản ánh của Israel chính xác đến mức nào. Bởi thông tin từ Tehran lại tương đối khác biệt. Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) cho biết, “các căn cứ quân sự của Israel đã chứng kiến những vụ nổ liên tiếp và khủng khiếp do tác động của tên lửa Iran”.

IRNA cũng trích phát biểu Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri để cung cấp thông tin chi tiết về chiến dịch tấn công Israel mang tên “Wadeh Sadeq 2” (Lời hứa đích thực 2”).

Theo đó, các địa điểm quân sự của Israel bị nhắm mục tiêu bao gồm trụ sở cơ quan tình báo Mossad; căn cứ không quân Navatim chứa máy bay chiến đấu F35; căn cứ không quân Hatsarim được sử dụng để xuất kích trong vụ ám sát Sayyed Hassan Nasrallah, các radar chiến lược và các trung tâm tập trung xe tăng, xe chở quân đóng xung quanh Gaza.

Trong khi đó, hãng tin Mehr News thì khẳng định, nhiều tên lửa của Iran đã vượt qua được hệ thống phòng không của Israel, đặc biệt là tên lửa siêu vượt âm Fattah-2. Theo Mehr News, đây là lần đầu tiên Iran tập kích một đối thủ bằng loại tên lửa đạn đạo mà Tehran tuyên bố rằng không thể bị đánh chặn.

“Lần đầu tiên, IRGC (Vệ binh Cách mạng Hồi giáo) đã phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa radar َArrow 2 và 3 bằng tên lửa siêu thanh Fattah-2”, hãng tin này cho biết thêm.

Fattah-2 là vũ khí như thế nào?

Fattah-2 là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa siêu vượt âm, tức những tên lửa đạt được vận tốc từ Mach 5 (1.717m/giây hay 6.174 km/h) trở lên, được phát triển tại Iran.

Loại tên lửa này được tạo thành từ sự kết hợp giữa phương tiện lướt siêu thanh (HGV) và tên lửa hành trình siêu thanh (HCM), có những tính năng độc đáo. Từ HCM, viết tắt của Hypersonic Cruise Missile (Tên lửa siêu vượt âm), được viết trên đầu mũi tên lửa.

Tên lửa Fattah-2 bao gồm hai phần. Phần đầu tiên là tên lửa đẩy nhiên liệu rắn Fattah, không thay đổi so với phiên bản ban đầu. Phần thứ hai là đầu đạn lượn, tách khỏi tên lửa đẩy và có động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng.

 Cấu hình kỹ thuật của tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 mà Iran dùng để tấn công Israel. Ảnh: ISW News

Cấu hình kỹ thuật của tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 mà Iran dùng để tấn công Israel. Ảnh: ISW News

Hình dạng tổng thể của đầu đạn lượn Fattah-2 rất giống với tên lửa Boeing X-51, nhưng điểm khác biệt là cửa hút khí đã bị loại bỏ và động cơ tên lửa được sử dụng thay cho động cơ phản lực dòng thẳng.

Vật liệu nổ nằm ở đầu đầu đạn, tiếp theo là hệ thống dẫn đường quán tính và GPS cùng với máy tính chịu trách nhiệm dẫn đầu đạn đến giai đoạn va chạm cuối cùng. Sau hệ thống dẫn đường, có một hộp chứa kíp nổ (mảnh màu vàng), tiếp theo là bình nhiên liệu lỏng và bình oxy hóa, và cuối cùng là động cơ tên lửa.

Ở cuối đầu đạn có bốn cánh, hai cánh tạo thành một đường thẳng với đáy đầu đạn và cố định, có nhiệm vụ tạo ra lực nâng. Hai cánh còn lại được thiết kế để thay đổi hướng và có khả năng xoay quanh một trục kết nối với thân.

Tốc độ của tên lửa này được một số nguồn đưa tin là Mach 10 (12.248 km/h), nhưng không rõ tốc độ này có thể duy trì trong bao lâu. Tuy nhiên, có thể cho rằng tốc độ vượt quá Mach 5 (6.174 km/h) tại thời điểm va chạm. Tầm bắn của tên lửa được một số hãng thông tấn đưa tin là từ 1500 đến 1800 km.

 Hệ thống phòng không trứ danh của Israel đã bắn hạ hầu hết tên lửa từ Iran bắn tới nhưng được cho là đã không đánh chặn được Fattah-2. Ảnh: GI

Hệ thống phòng không trứ danh của Israel đã bắn hạ hầu hết tên lửa từ Iran bắn tới nhưng được cho là đã không đánh chặn được Fattah-2. Ảnh: GI

Sau khi khai hỏa, bộ tăng cường nhiên liệu rắn của Fattah-2 đưa tên lửa lên một độ cao nhất định từ không gian, sau đó đầu đạn tách khỏi nó và di chuyển về phía bầu khí quyển.

Ở trạng thái này, tên lửa sẽ di chuyển với tốc độ rơi nhanh cho đến khi chạm tới bầu khí quyển, và sau đó, giống như một HGV (Phương tiện lướt siêu thanh), nó sẽ lướt xuống mặt đất trong bầu khí quyển ở độ cao dưới 100 km.

Ở một phần của giai đoạn bay cuối, Fattah-2 giảm mạnh độ cao và tốc độ cũng giảm. Ở giai đoạn này, động cơ tên lửa nhúng trong đầu đạn được kích hoạt và ổn định tốc độ của đầu đạn ở Mach 5 hoặc cao hơn. Đầu đạn Fattah-2 dành nhiều thời gian ở độ cao thấp và sẽ bay qua giai đoạn cuối của đường bay giống như tên lửa hành trình nhờ động cơ của nó.

Với đầu đạn chứa từ 350 đến 450 kg thuốc nổ cùng động năng vô cùng lớn được tạo ra bởi tốc độ siêu vượt âm, tên lửa Fattah-2 sẽ tạo ra một sức công phá khủng khiếp, đồng thời cũng rất khó để đánh chặn.

Hiện chưa rõ các hệ thống phòng không trứ danh của Israel có bắn hạ được Fattah-2 hay không, nhưng theo phía Iran thì tên lửa của họ đã bắn trúng đích, phá hủy chính những hệ thống đánh chặn của đối phương là Arrow 2 và 3, vốn được giới thiệu có thể bắn hạ các tên lửa từ bên ngoài khí quyển.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ten-lua-sieu-vuot-am-fattah-2-ma-iran-tap-kich-israel-manh-the-nao-post314935.html
Zalo