Tên lửa siêu thanh Pakistan phá hủy S-400 của Ấn Độ?

Ngày 10/5, quân đội Pakistan tuyên bố đã tiến hành một cuộc không kích nhắm vào hệ thống phòng không S-400 của Ấn Độ tại căn cứ Adampur, bang Punjab.

Đây được coi là một trong những vị trí phòng thủ chiến lược quan trọng của Ấn Độ, chỉ cách biên giới Pakistan khoảng 100 km.

Pakistan bắt đầu chiến dịch tấn công đáp trả Ấn Độ. (Nguồn: X)

Theo tuyên bố được ChinaDaily dẫn lại từ Cục Quan hệ công chúng liên quân Pakistan (ISPR), cuộc tấn công được thực hiện bởi tiêm kích JF-17 sử dụng tên lửa siêu thanh dẫn đường chính xác.

Chiến dịch 'Bunyanul Marsoos' – phản ứng cứng rắn của Pakistan

Chiến dịch "Bunyanul Marsoos" được Pakistan phát động như một đòn đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa mà New Delhi thực hiện trước đó nhằm vào một số cơ sở quân sự của Islamabad, trong đó có một căn cứ gần thủ đô Pakistan.

Những động thái leo thang này diễn ra chỉ vài tuần sau vụ tấn công tồi tệ tại Kashmir ngày 22/4 khiến 26 người thiệt mạng, phần lớn là khách du lịch. Ấn Độ cáo buộc Pakistan đứng sau vụ việc, nhưng Islamabad đã bác bỏ.

Tuyên bố của ISPR cho biết chiến dịch mới nhằm "vô hiệu hóa các mục tiêu quân sự có giá trị cao của Ấn Độ" và phản ánh sự đáp trả trực tiếp trước "thái độ hung hăng kéo dài" từ phía New Delhi.

S-400 – Lá chắn trị giá tỷ USD của Ấn Độ bị nhắm tới

Hệ thống S-400 Triumf do Nga sản xuất được đánh giá là một trong những tổ hợp phòng không hiện đại nhất thế giới, có thể phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 400 km và độ cao lên tới 30 km.

Ấn Độ ký hợp đồng trị giá 5,43 tỷ USD với Nga vào năm 2018 để mua hệ thống này và đã bắt đầu nhận hàng từ năm 2021. Việc triển khai S-400 ở Punjab nhằm tăng cường khả năng phòng không tại khu vực giáp ranh Pakistan, điểm nóng trong các cuộc đụng độ giữa hai nước.

Với khả năng theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu và tấn công 36 mục tiêu khác nhau, S-400 được kỳ vọng là "lá chắn thép" trước các mối đe dọa trên không, từ máy bay chiến đấu cho đến tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Pakistan, nếu thực sự phá hủy được hệ thống này, có thể đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả thực tế của S-400 trước các loại vũ khí siêu thanh hiện đại.

Tên lửa siêu thanh – con át chủ bài mới của Pakistan?

ISPR không tiết lộ cụ thể tên loại tên lửa được sử dụng, nhưng cho biết đó là một loại đạn siêu thanh chính xác cao được phóng từ tiêm kích JF-17 Thunder, dòng chiến đấu cơ do Pakistan hợp tác cùng Trung Quốc phát triển.

JF-17 có tốc độ tối đa Mach 1.6, bán kính chiến đấu khoảng 1.350 km và được trang bị radar mảng pha điện tử KLJ-7A.

Vũ khí siêu thanh di chuyển với tốc độ trên Mach 5, đang ngày càng thách thức các hệ thống phòng thủ truyền thống nhờ tốc độ cao, khả năng cơ động và quỹ đạo bay thấp. Theo các nhà phân tích, Pakistan có thể đã sử dụng một biến thể của tên lửa siêu thanh do Trung Quốc phát triển, như YJ-21 hoặc phương tiện lướt DF-ZF, những hệ thống đang đưa Bắc Kinh vào vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ siêu thanh, vượt cả Mỹ và Nga trong một số lĩnh vực.

Nếu Pakistan đã tích hợp thành công loại vũ khí này vào tiêm kích JF-17, đó sẽ là bước tiến lớn trong năng lực tấn công của nước này, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng quân sự với Ấn Độ tiếp tục leo thang.

Hậu quả chiến lược và sự cảnh báo toàn cầu

Adampur là nơi đóng quân của nhiều tiêm kích Su-30MKI của không quân Ấn Độ và giữ vai trò then chốt trong việc kiểm soát không phận khu vực phía Bắc nước này. Nếu một tổ hợp S-400 tại đây thực sự bị phá hủy, đây không chỉ là tổn thất về mặt vật chất mà còn là đòn giáng mạnh về mặt biểu tượng, cho thấy Pakistan có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Ấn Độ.

Các nhà phân tích được tờ Xihua trích dẫn cho rằng việc mất một đơn vị S-400 có thể buộc Ấn Độ phải xem xét lại chiến lược phòng thủ tại các khu vực trọng yếu như Punjab và Jammu & Kashmir, nơi xung đột biên giới vẫn thường xuyên diễn ra.

Một báo cáo năm 2023 của RAND Corporation lưu ý rằng, ngay cả các hệ thống phòng không tiên tiến như S-400 vẫn có thể bị tổn thương bởi các cuộc tấn công chính xác vào radar và trung tâm chỉ huy, đặc biệt nếu không được tích hợp chặt chẽ với các hệ thống phòng thủ khác như Akash hay Barak-8 của Ấn Độ.

Ấn Độ và Pakistan đều là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Ấn Độ có khoảng 164 đầu đạn và Pakistan khoảng 170, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Điều này khiến bất kỳ hành động leo thang nào cũng tiềm ẩn nguy cơ vượt xa xung đột thông thường, trở thành mối đe dọa toàn cầu.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ten-lua-sieu-thanh-pakistan-pha-huy-s-400-cua-an-do-169250510180509568.htm
Zalo