Tên lửa nhiên liệu rắn là gì và tại sao Triều Tiên lại phát triển chúng?

Triều Tiên tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào ngày 31/10, động thái mà các quan chức Hàn Quốc cho biết có thể liên quan đến việc phát triển động cơ tên lửa nhiên liệu rắn mới.

Các quan chức quân sự tại Hàn Quốc cho biết chương trình tên lửa của Triều Tiên đã tiến triển đáng kể. Dưới đây là một số đặc điểm của công nghệ nhiên liệu rắn và cách công nghệ này có thể giúp Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân cải thiện hệ thống tên lửa của mình.

 Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 được phóng trong một cuộc tập trận của Triều Tiên vào ngày 18/12/2023. Ảnh: KCNA

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 được phóng trong một cuộc tập trận của Triều Tiên vào ngày 18/12/2023. Ảnh: KCNA

Một số ưu điểm của tên lửa nhiên liệu rắn

Tên lửa nhiên liệu rắn không cần phải tiếp nhiên liệu ngay trước khi phóng, thường dễ vận hành và an toàn hơn, đồng thời đòi hỏi ít hỗ trợ hậu cần hơn, khiến chúng khó bị phát hiện hơn vũ khí nhiên liệu lỏng.

Ông Ankit Panda, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết: "Những khả năng này thể hiện nhiều ưu điểm hơn trong thời điểm khủng hoảng".

Công nghệ nhiên liệu rắn là gì?

Chất đẩy rắn là hỗn hợp gồm nhiên liệu và chất oxy hóa. Nhiên liệu thường là bột kim loại như nhôm, trong khi chất oxy hóa phổ biến nhất là amoni perchlorat (muối của axit perchloric và amoniac).

Nhiên liệu và chất oxy hóa được liên kết với nhau bằng vật liệu cao su cứng và được đóng gói trong vỏ kim loại.

Khi nhiên liệu rắn cháy, oxy từ amoni perchlorat kết hợp với nhôm tạo ra một lượng năng lượng khổng lồ và nhiệt độ hơn 2.760 độ C, tạo lực đẩy và nâng tên lửa khỏi bệ phóng.

Ai sở hữu công nghệ này?

Nhiên liệu rắn có nguồn gốc từ pháo hoa do người Trung Quốc phát minh cách đây nhiều thế kỷ, nhưng đã có những tiến bộ vượt bậc vào giữa thế kỷ 20, khi Mỹ phát triển các loại nhiên liệu mạnh hơn.

Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn trong một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhỏ, cũng như trong tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 mới.

Liên Xô đã triển khai ICBM nhiên liệu rắn đầu tiên, RT-2, vào đầu những năm 1970, sau đó Pháp phát triển S3, còn được gọi là SSBS, một loại tên lửa đạn đạo tầm trung.

Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm ICBM nhiên liệu rắn vào cuối những năm 1990.

Hàn Quốc cũng cho biết họ đã có được công nghệ tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn "hiệu quả và tiên tiến", mặc dù cho đến nay vẫn chỉ là những tên lửa nhỏ.

So sánh rắn - lỏng

Nhiên liệu lỏng cung cấp lực đẩy và công suất lớn hơn, nhưng đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn và trọng lượng lớn hơn.

Nhiên liệu rắn đặc và cháy khá nhanh, tạo ra lực đẩy trong thời gian ngắn. Nhiên liệu rắn có thể được lưu trữ trong thời gian dài mà không bị phân hủy, một vấn đề thường gặp với nhiên liệu lỏng.

Triều Tiên cho biết việc phát triển tên lửa nhiên liệu rắn Hwasong-18 sẽ "thúc đẩy mạnh mẽ" khả năng phản công hạt nhân của nước này.

Sau lần phóng đầu tiên vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc thử nghiệm, nói rằng Triều Tiên sẽ cần "thêm thời gian và nỗ lực" để làm chủ công nghệ.

Ngọc Ánh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ten-lua-nhien-lieu-ran-la-gi-va-tai-sao-trieu-tien-lai-phat-trien-chung-post319335.html
Zalo