Tên lửa đạn đạo Iskander-1000 của Nga: Vũ khí đối phó chiến đấu cơ F-16 ở Ukraine?

Tên lửa Iskander-1000 do Nga phát triển có tầm bắn gấp đôi so với phiên bản Iskander-M, cung cấp cho quân đội Nga giải pháp tấn công tầm xa để đối phó chiến đấu cơ F-16 ở Ukraine.

Nga được cho là đang phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-1000. Nguồn: Army Recognition.

Hôm 28/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Nga có thể bắt đầu sản xuất và triển khai các tên lửa tầm trung để đối phó kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ ở châu Âu.

Một trong những tên lửa mà Nga có thể triển khai là mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung Iskander-1000. Tên lửa do Cục Thiết kế Chế tạo Máy của Nga (Kolomna) phát triển, theo trang Army Recognition.

Tên lửa Iskander-1000 có tầm bắn lên tới 1.000km, gấp đôi so với phiên bản Iskander-M được Nga sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Mẫu tên lửa mới lần đầu được hé lộ vào tháng 5/2024, thông qua video kỷ niệm 78 năm ngày thành lập bãi thử tên lửa Kapustin Yar.

Theo Army Recognition, các tên lửa Iskander-1000 nếu được Nga triển khai ở khu vực phía tây như vùng Smolensk có thể tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với các chiến đấu cơ F-16 mà Ukraine mới nhận từ phương Tây.

Tầm bắn vượt trội của tên lửa Iskander-1000 giúp quân đội Nga có thêm lựa chọn tấn công sân bay quân sự Ukraine nếu phát hiện dấu hiệu của các chiến đấu cơ F-16. Điều này có thể khiến Ukraine buộc phải áp dụng thêm biện pháp đề phòng và giảm khả năng chiến đấu cơ F-16 vận hành hiệu quả.

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, các tên lửa Iskander đã chứng minh năng lực tấn công mục tiêu với độ chính xác rất cao. Ukraine cũng chưa từng tuyên bố đánh chặn bất kỳ tên lửa Iskander nào của Nga.

Theo Army Recognition, phiên bản Iskander-1000 nhiều khả năng vẫn giữ nguyên cấu trúc tên lửa Iskander truyền thống nhưng tăng 10-15% thể tích nhiên liệu rắn, được trang bị động cơ tiên tiến hơn, hệ thống điều khiển được cải tiến và đầu đạn được sửa đổi.

Tên lửa đạn đạo mới này của Nga có thể được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính tự động, tự hiệu chỉnh đường bay theo tín hiệu vệ tinh kết hợp dẫn đường bằng radar dựa trên bản đồ địa hình của khu vực mục tiêu. Iskander-1000 có thể tấn công chính xác mục tiêu với sai số 5 mét.

Tên lửa Iskander-1000 cung cấp cho quân đội Nga thêm giải pháp tấn công tầm xa thay vì phụ thuộc vào các chiến đấu cơ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Phiên bản Iskander-1000 có thể được phóng từ các bệ phóng Iskander cũ, giúp Nga dễ dàng triển khai tên lửa này trong chiến đấu và gây khó khăn cho đối phương trong việc xác định chủng loại.

Trang Army Recognition dẫn nguồn tin mở cho biết, đầu đạn của tên lửa Iskander-1000 vẫn là đầu đạn nổ mạnh (HE) hoặc đạn chùm, trọng lượng từ 350 - 500kg. Nga cũng thể giảm bớt trọng lượng đầu đạn để tăng tầm bắn của tên lửa lên tới 1.300km.

Đầu đạn chùm phù hợp để tấn công các mục tiêu sân bay quân sự, đoàn xe bọc thép và nơi đối phương tập trung binh lực. Tháng trước, Bộ Quốc phòng Nga công bố video tập kích sân bay quân sự Ukraine bằng tên lửa Iskander-M mang đầu đạn chùm.

Hiện tại, phương án tấn công tầm xa của Nga do các chiến đấu cơ đảm nhận với tên lửa hành trình hạng nặng và tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.

Quân đội Ukraine thường phát hiện dấu hiệu bất thường ngay khi máy bay Nga cất cánh, từ đó phán đoán thông tin về đợt tập kích tên lửa.

Với Iskander-1000, Nga có khả năng thực hiện đòn tấn công bất ngờ ở tầm xa hơn. Đây cũng là lý do Ukraine luôn gặp khó khăn trong việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga.

Theo Army Recognition, nếu được Nga bố trí ở vùng lãnh thổ Kaliningrad, tên lửa Iskander-1000 còn có thể đặt nhiều nước thành viên NATO vào tầm bắn, bao gồm Ba lan, Lithuania, Latvia, Estonia, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển.

Nhật Minh - Army Recognition

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doi-song-24h/ten-lua-dan-dao-iskander-1000-cua-nga-vu-khi-doi-pho-chien-dau-co-f-16-o-ukraine-218576.html
Zalo