Tên cha ông là ngọn đèn thành phố

Ở một thành phố vốn dĩ đậm đặc những lớp lang quá khứ như Hà Nội, kho tàng tên phố mang tên người cung cấp một lịch sử biến động của thời đại. Đặt tên tiền nhân cho đường phố là một sự ký thác những khung giá trị cho đời sống thời đại đó.

Tên đường phố ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng thừa hưởng cách lấy tên danh nhân và các địa danh lịch sử của Pháp đặt ra. Khác với Trung Quốc hay Mỹ gần như không có truyền thống đặt tên người cho đường phố, yếu tố lịch sử được gieo cấy đậm đặc trên những biển tên đường các thành phố nước Pháp từ sau Cách mạng Pháp 1789 và các đợt quy hoạch trong thế kỷ XIX.

Với tư cách một thủ phủ thuộc địa, Hà Nội cũng theo bước, bắt đầu là những biển phố tên người Pháp bên cạnh những phố “Hàng” được dịch sang tiếng Pháp. Vậy những người Việt nào đã được đặt tên phố đầu tiên?

Bốn thập niên và 24 cái tên

Thoạt đầu các đường phố đặt tên người nằm ở khu phố Tây, đều là tên những chỉ huy thực dân trong các cuộc tấn công thành Hà Nội và bình định Bắc kỳ cuối thế kỷ XIX hoặc các nhân vật trong chính trường Pháp có liên quan chế độ thuộc địa. Tấm bản đồ đầu tiên năm 1884 có tên đường vẽ khu vực hồ Hoàn Kiếm đều mang tên các phố “Hàng” hay các chức năng của chúng bằng tiếng Pháp. Con đường đầu tiên được đặt tên và gắn biển mang tên nhà thực dân Paul Bert với tấm biển khảm trai do dân phường Thợ Khảm (tức Hàng Khay) làm, ngoài chữ “Rue Paul Bert” còn có hàng chữ Hán phiên âm là “Bôn Bi Đường”.

Biển tên phố Paul Bert khoảng năm 1890. Ảnh: TLTG

Biển tên phố Paul Bert khoảng năm 1890. Ảnh: TLTG

Những người Việt đầu tiên được đặt tên từ cuối thập niên 1910 là những quan lại nhà Nguyễn từng có mối liên hệ với người Pháp, các danh nhân Việt mang tính cổ điển, là những đường phố rất bé: Lê Lợi (đoạn phố từ Hàng Gai xuống hồ Hoàn Kiếm, nay là đoạn cuối của Lương Văn Can), Nguyễn Trãi (nay là Nguyễn Văn Tố), Nguyễn Du (đoạn phố Gia Ngư), Tiền Quân Thành (Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành, nay là phố Nguyễn Khắc Nhu), Án Sát Siêu (Nguyễn Siêu, trên cơ sở con đường lấp sông Tô Lịch), Phạm Phú Thứ (Nguyễn Quang Bích), Nguyễn Trọng Hiệp (ngõ Cầu Gỗ), Nguyễn Duy Hàn (đoạn phố Lương Ngọc Quyến), Cao Đắc Minh (Văn Miếu), Đỗ Hữu Vị (Cửa Bắc).

Đáng kể hơn cả về độ lớn là hai đại lộ Gia Long (đoạn đầu Bà Triệu) và Đồng Khánh (Hàng Bài) nằm trong khu phố Pháp. Ngoài ra còn phố Sầm Công (Lương Ngọc Quyến) và ngõ Sầm Công (ngõ Đào Duy Từ) cũng là những cái tên ghi bằng tiếng Việt song liên quan ngôi miếu của cộng đồng Hoa kiều ở khu vực Hàng Buồm thờ viên tướng nhà Thanh Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử ở gò Loa Sơn trong trận quân Tây Sơn đại phá đồn Khương Thượng mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Số ít ỏi các tên nhân vật này cho đến hết thập niên 1920 vẫn không thay đổi.

Những cái tên đầu tiên này hầu hết là tên những phố nhỏ có độ dài không quá 300m, nghĩa là không có đến hai ngã tư, ngoại trừ phố Đỗ Hữu Vị, đặt theo tên một viên phi công đã tử trận ở Pháp trong Thế chiến I. Chỉ có hai danh nhân sống trước thời nhà Nguyễn là Lê Lợi và Nguyễn Trãi, và cũng chỉ có phố Án Sát Siêu có ý nghĩa liên quan đến thực địa khi đặt cho đoạn phố đi qua ngôi nhà cũ và nơi dạy học của danh nhân Nguyễn Văn Siêu bên đoạn cửa sông Tô vào thập niên 1860-1870. Trong khi các danh nhân được lấy tên thật thì Nguyễn Văn Siêu và Nguyễn Văn Thành lại được đặt tên phố theo quan tước ghép với tên thật. Sự thiếu gắn kết của những tên phố này khiến cho sự hiện diện của chúng mờ nhạt trong các văn bản truyền thông hay văn chương về Hà Nội.

Sang thập niên 1930, tình hình có khởi sắc hơn một chút cùng với sự mở rộng các khu phố và quỹ đường tăng lên, dành đất cho việc đặt tên mang tính bản địa. Thử quan sát những biến động cũng có thể đánh giá góc độ “ưu tiên” của chính quyền đương thời với các tiền nhân bản địa. Đầu thập niên này, ngoài đặt tên mới cho một số phố trong khu bản xứ như Đào Duy Từ, Lê Quý Đôn (gồm đoạn phố mang tên Lê Lợi trước đó cùng đoạn phố mới mở từ Hàng Quạt, nay là đoạn phố Lương Văn Can) thì cũng hình thành các khu phố phía Bắc như bán đảo Ngũ Xã và Trúc Bạch với Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Công Trứ (đoạn phố Châu Long), Trần Hưng Đạo (Ngũ Xã), khu sau ga Hàng Cỏ gồm Đinh Tiên Hoàng (Trần Quý Cáp), Lý Thường Kiệt (Ngô Sĩ Liên), khu phố mới của giới công chức bản xứ như Kinh lược Hoàng Cao Khải (Lê Đại Hành), Trạng Trình (đoạn cuối Liên Trì), một phố loại ngắn nhất như Hậu Quân Chất (tức tổng trấn Bắc Thành Lê Chất, nay là phố Mai Xuân Thưởng), và Lê Lợi được đặt lại cho đoạn kéo dài nhỏ hơn của đại lộ Gia Long (nay là đoạn cuối phố Bà Triệu).

Không gian lịch sử thể hiện trên kho tên phố này có sự mở rộng hơn về niên đại và loại hình nhân vật, lên tới thời Đinh, Lý, Hậu Lê và có các vị trạng nguyên, học giả và thi nhân, mặc dù các thi nhân ở đây cũng đồng thời là những quan lại.

Thập niên 1940, có thêm phố Bảng Nhỡn Đôn (Hàng Cháo), lấy tên theo cách gọi danh hiệu tam khôi của Lê Quý Đôn, một sự lạ khi đã có phố mang tên ông; phố Hà Văn Ký (Vũ Hữu Lợi, lấy theo tên một viên trung úy đồn Lạng Sơn đã chết trong cuộc tấn công của quân Nhật ngày 22.11.1940); Nguyễn Khuyến (đổi tên đoạn phố Sầm Công, nay là Lương Ngọc Quyến); Hai Bà Trưng (ghi bằng tiếng Pháp: Rue des deux sœurs Trưng, nay là Trúc Bạch). Riêng năm 1943, theo đề nghị của học giả Nguyễn Văn Tố, đường số 202 (Đại Cồ Việt) đặt theo tên Nguyễn Du, do con phố mang tên thi hào dân tộc lúc đó chỉ là một cái ngõ chật hẹp lầy lội, không xứng đáng với tên tuổi danh nhân (Trung Hòa nhật báo, 4.2.1943).

Vị trí những phố có tên người Việt trên bản đồ Hà Nội cho đến trước 1945, trên cơ sở bản đồ năm 1942.

Vị trí những phố có tên người Việt trên bản đồ Hà Nội cho đến trước 1945, trên cơ sở bản đồ năm 1942.

Như vậy có chừng 24 người Việt đã được đặt tên đường phố nội thành Hà Nội cho đến trước năm 1945, và 14 trong số đó là người của “hoàng triều”, tức sống ở thời Nguyễn và thuộc Pháp. Như nhiều người đã biết, việc làm có ý nghĩa lớn của Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai dưới quyền Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập sau khi Nhật đảo chính Pháp 9.3.1945 là đã cho đổi tên các đường phố, vườn hoa, quảng trường sang tên các danh nhân và chiến tích lịch sử Việt Nam theo một hệ thống quy tắc còn ảnh hưởng đến ngày nay.

Nguyên tắc này được thực hiện theo cách các vị vua khởi dựng nền độc lập tự chủ được đặt cho các đường phố lớn ở trung tâm, các danh nhân cùng thời về văn chương hay học vấn đặt theo cụm hoặc địa bàn liên quan, các địa danh lịch sử cũng được đặt cho các vườn hoa, quảng trường gắn với họ.

Trong khi đó, 24 cái tên Việt trước năm 1945 dường như là giải pháp tình thế và lấp chỗ trống hơn là có chủ định, ngoại trừ hai đại lộ mang tên hai vị vua nhà Nguyễn.

Những cái tên đi, ở và trở lại?

“Tên đường phố là một loại di sản ngôn ngữ của thành phố, và rồi chúng trở thành một phần tâm hồn của cư dân” - đó là nhận định của Derek H. Alderman, giáo sư địa lý Đại học Tennessee trong một bài báo cách đây vài năm nhân việc dư luận Mỹ đòi đổi tên một đại lộ ở Minneapolis thành George Floyd Avenue nhằm tưởng niệm một người da đen bị cảnh sát hạ sát trong một vụ bắt giữ (Malia Wollan, “How to rename a street”, New York Times 23.6.2020). Do đó việc đổi tên đường phố trở thành một loại trận chiến văn hóa lịch sử của thời đương đại khi đụng đến nhiều thách thức. Điều này cũng dẫn đến sự thay đổi nhận thức của đại chúng về sự kiện hay nhân vật lịch sử vốn được dùng để đặt tên đường.

Cuộc nhận thức về quá khứ qua tên phố cũng được hiển thị qua sự biến đổi những tên phố Hà Nội mang tên người nói trên. Chỉ có 3 trong số 24 phố giữ nguyên tên: Án Sát Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Đào Duy Từ, trong đó thực ra Án Sát Siêu được điều chỉnh theo tên thật danh nhân Nguyễn Văn Siêu. Những cái tên được đổi ra những đường phố lớn hơn hoặc quan trọng hơn, chủ yếu là các vị vua và anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi (với tên theo miếu hiệu là Lê Thái Tổ), Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến. Những tên phố này được sắp xếp qua nhiều lần đã nằm trong hệ thống gắn kết khá chặt chẽ, như các vị vua và anh hùng dân tộc tập trung quanh trung tâm khu phố nam hồ Hoàn Kiếm hay các danh nhân văn hóa ở các phố gần các vườn hoa, công viên hay di tích văn chương như Văn Miếu.

11 cái tên đã bị loại bỏ cũng là một nhóm đối tượng thú vị để suy tư về những cuộc đổi thay về tư tưởng. Ngoài nhóm các nhân vật liên quan quân đội Pháp (Cao Đắc Minh, Đỗ Hữu Vị, Hà Văn Ký) hoặc nằm ngoài lề sự ghi nhận hoặc mờ nhạt về hành trạng đối với thời nay, nhóm các nhân vật quan lại nhà Nguyễn phản ánh bản chất phức tạp của thời thuộc địa.

Ít nhất tên của vị vua đầu triều Nguyễn có những sự hiện diện tương đối đậm nét trên truyền thông với tư cách lập ra một triều đại có sự toàn vẹn lãnh thổ từ Bắc chí Nam tạo cơ sở cho cương vực nước Việt hiện đại. Một số thị xã, thị trấn có đường mang tên Gia Long như Trảng Bàng (Tây Ninh), Hoài Nhơn (Bình Định), Tam Nông (Đồng Tháp), Trà Ôn (Vĩnh Long).

Nhóm các đại thần nhà Nguyễn gồm Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, Nguyễn Trọng Hiệp, Phạm Phú Thứ đều đã được ghi nhận như những người có công trong những công việc kinh bang tế thế trong thế kỷ XIX và ít nhiều gắn bó với Hà Nội. Hai vị tổng trấn Bắc thành là Nguyễn Văn Thành và Lê Chất vốn gốc miền trong đã có những đóng góp to lớn trong việc tiếp quản Thăng Long từ triều Tây Sơn, ổn định cơ sở hành chính và kiến tạo một số công trình biểu tượng, ví dụ Nguyễn Văn Thành đã cho tái thiết thành Thăng Long và tu bổ Văn Miếu, xây Khuê Văn Các (1805), hay Lê Chất đã cho thực hiện bộ Bắc Thành dư địa chí, tập hợp hoàn chỉnh các thông tin địa dư của mảnh đất này. Hiện Nguyễn Văn Thành được đặt tên cho một con đường ở Bình Dương, trong khi đó nơi ông đã tạo ra dấu ấn đậm nét trong cảnh quan là Hà Nội lại chưa có.

Một bài báo về việc chính quyền Hà Nội của Đốc lý Trần Văn Lai đổi tên phố năm 1945.

Một bài báo về việc chính quyền Hà Nội của Đốc lý Trần Văn Lai đổi tên phố năm 1945.

Hai vị đại thần Phạm Phú Thứ và Nguyễn Trọng Hiệp (đúng là Nguyễn Trọng Hợp, tên thật là Nguyễn Tuyên) lại là những nhân vật bị đặt vào những thời cuộc gian nan. Phạm Phú Thứ người gốc Quảng Nam song đã trải qua các chức vụ Án sát sứ tỉnh Hà Nội và Tổng đốc Hải An (Hải Dương - Quảng Yên) dưới thời Tự Đức, có những chấn chỉnh và hỗ trợ người dân trong những năm đói kém. Ông đã làm phó sứ (rồi thay thế chánh sứ Phan Thanh Giản qua đời) trong những chuyến đi Pháp nhằm điều đình kết quả bất lợi từ Hòa ước Nhâm Tuất 1862. Ông là người đã đề nghị vua Tự Đức cải cách việc học tập và phát triển công nghiệp, song cũng như nhiều chí sĩ đương thời, các đề đạt không có kết quả. Ông để lại những cuốn sách có giá trị thuật lại các chuyến đi mở mang tầm mắt, cho in những cuốn sách về canh tân.

Cũng một vai trò tương tự, Nguyễn Trọng Hợp vốn là người đồng hương với Nguyễn Văn Siêu ở làng Lủ (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải lãnh trách nhiệm phó sứ trong phái đoàn triều đình ký Hòa ước Quý Mùi 1883, chính thức công nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn quốc. Trong một thời gian dài nửa sau thế kỷ XX, Nguyễn Trọng Hợp chưa được đánh giá đúng mức vì xem như can dự vào những hòa ước bất bình đẳng dẫn đến mất nước. Tuy nhiên, những văn bản trước tác của ông và ghi chép đương thời cho thấy ông có nhiều suy tư phiền muộn về sự bất lực của mình trước thời thế, cũng như sự cởi mở đối với cái mới của ông so với quan lại đương thời. Hiện ông đã được ghi nhận là danh nhân văn hóa của Hà Nội, tại quê nhà còn giữ được lăng mộ xây lối vòm cuốn bằng đá xanh độc đáo, song vẫn chưa có lại tên đường phố. Trong khi đó, người đại diện ký Hòa ước Giáp Thân 1884 là Toàn quyền đại thần Phạm Thận Duật đã được đặt tên phố và đặt cho tên một giải thưởng sử học.

Ở một thành phố vốn dĩ đậm đặc những lớp lang quá khứ như Hà Nội, kho tàng tên phố mang tên người cung cấp một lịch sử biến động của thời đại. Đặt tên tiền nhân cho đường phố là một sự ký thác những khung giá trị cho đời sống thời đại đó. Vào những năm 1960, âm điệu sử thi đã khẳng định: “Tên cha ông là ngọn đèn thành phố” (Chào Thăng Long, chào Hà Nội - Lê Anh Xuân). Trong khi đó, thế kỷ XXI chứng kiến sự bung nở của quỹ đường phố khi quá trình đô thị hóa diễn ra ồ ạt, tưởng như thật dễ lựa chọn từ “ngân hàng tên” đường phố mà hóa ra vẫn bị chi phối bởi cả những định chế lẫn sự vô tình.

Những cuộc tranh luận mỗi dịp đề xuất đặt tên đường không rõ có nhắc lại ký ức về sự biến thiên đã qua không?

Bảng tên người Việt đặt cho đường phố Hà Nội trước 1945
(theo thứ thự ABC)

Án Sát Siêu (Nguyễn Siêu)
Cao Đắc Minh (Văn Miếu)
Đào Duy Từ
Đinh Tiên Hoàng (Trần Quý Cáp)
Đỗ Hữu Vị (Cửa Bắc)
Đồng Khánh (Hàng Bài)
Gia Long (Bà Triệu)
Hà Văn Ký (Vũ Hữu Lợi)
Hậu Quân Chất (Mai Xuân Thưởng)
Kinh lược Hoàng Cao Khải (Lê Đại Hành)
Lê Lợi (Lương Văn Can, Bà Triệu)
Lê Quý Đôn (Lương Văn Can)
Lý Thường Kiệt (Ngô Sĩ Liên)
Mạc Đĩnh Chi
Nguyễn Công Trứ (Châu Long)
Nguyễn Du (Gia Ngư, Đại Cồ Việt)
Nguyễn Duy Hàn (Lương Ngọc Quyến)
Nguyễn Khuyến (Lương Ngọc Quyến)
Nguyễn Trãi (Nguyễn Văn Tố)
Nguyễn Trọng Hiệp (ngõ Cầu Gỗ)
Phạm Phú Thứ (Nguyễn Quang Bích)
Tiền Quân Thành (Nguyễn Khắc Nhu)
Trạng Trình (Liên Trì)
Trần Hưng Đạo (Ngũ Xã)

Nguyễn Trương Quý

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ten-cha-ong-la-ngon-den-thanh-pho-46613.html
Zalo