Temu vào Việt Nam, thị trường thương mại điện tử thêm khốc liệt

Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) có xuất xứ Trung Quốc đã có cuộc xâm nhập rầm rộ vào thị trường Việt Nam. Hàng hóa của nhà sản xuất nội địa đang phải cạnh tranh rất lớn với hàng hóa nhập khẩu xuyên biên giới.

Hàng sản xuất nội địa Việt đang gặp phải cạnh tranh lớn từ TMĐT xuyên biên giới. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST

Hàng sản xuất nội địa Việt đang gặp phải cạnh tranh lớn từ TMĐT xuyên biên giới. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST

Hàng giá rẻ ngập tràn ứng dụng TMĐT

Những ngày gần đây, câu chuyện nền tảng TMĐT Temu xâm nhập vào thị trường Việt Nam đã gây một dư luận lớn trên các trang mạng xã hội. App Temu chạy quảng cáo trên mạng xã hội facebook với hàng loạt các chương trình khuyến mại gây sốc với mức giảm giá lên đến 90% với điều kiện khách hàng phải tải app Temu. Trước đó, nền tảng Shein cũng lặng lẽ xâm nhập vào thị trường Việt với các chương trình khuyến mại hấp dẫn với các mặt hàng thiết yếu như thời trang, gia dụng…

So sánh giá cả các mặt hàng giữa các nhà bán hàng Việt Nam trên các sàn TMĐT có xuất xứ Việt (như Shopee, Lazada, Tiki…) với các nhà bán hàng của Trung Quốc cùng trên một nền tảng TMĐT đã cho thấy đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Đại diện Hiệp hội bán lẻ Việt Nam (AVR) đánh giá, cùng một mặt hàng, các đơn hàng từ các gian hàng “nhập ngoại” đều có mức giá rẻ hơn, phí giao hàng cũng thấp hơn, trong khi các mặt hàng này cũng “bắt mắt” không kém so với các nhà bán hàng nội địa.

Do đó, với sự xuất hiện của Temu, đại diện AVR cho rằng, các nhà bán hàng nội địa sẽ phải chịu sự cạnh tranh thật sự gay gắt và điều này sẽ rất đáng lo ngại khi các nhà bán hàng trên các sàn TMĐT đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiềm lực tài chính không đáng kể và quy trình bán hàng chưa thật sự chuyên nghiệp.

Vị đại diện này cho biết thêm, trước khi Temu xuất hiện, nền tảng Tiktok cũng đã có một sự phát triển vượt bậc khi doanh thu tăng gấp nhiều lần sau từng năm. Hiện nền tảng Tiktok đã thu hút được rất đông các nhà bán hàng cũng như những KOL (người có tác động mạnh mẽ đến định hướng người tiêu dùng) bán hàng trực tiếp (live), tương tác trực tiếp với khách hàng, từ đó đẩy doanh số mỗi phiên live lên đáng kể.

Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, với những cơ hội và đổi mới liên tục, TMĐT đang nhanh chóng trở thành kênh mua sắm chính yếu, không chỉ thúc đẩy doanh số mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho doanh nghiệp Việt. Theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán sẽ chạm ngưỡng 39 tỷ USD vào năm 2025, khẳng định vị thế vững chắc của Việt Nam trên bản đồ TMĐT khu vực. Con số này là minh chứng cho sự tăng trưởng ấn tượng và hứa hẹn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhanh nhạy trong việc tận dụng công nghệ để phát triển và cạnh tranh trong tương lai gần.

Không dùng “giá” để cạnh tranh

“Sự cạnh tranh giữa các sàn TMĐT lớn đang ngày càng gay gắt. Đặc biệt, trong các sự kiện mua sắm lớn cuối năm, các nền tảng này liên tục tung ra những chiến dịch khuyến mãi lớn, không chỉ để thu hút người tiêu dùng mà còn nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường” - đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số nhận định.

Theo AVR, hiện thị trường TMĐT phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên thị trường Việt đang có cuộc “chạy đua ngầm” giữa các nền tảng TMĐT. Ngoài các chương trình giảm giá mạnh, sự cạnh tranh còn mở rộng sang các dịch vụ hậu mãi như giao hàng nhanh, chính sách hoàn trả linh hoạt và chăm sóc khách hàng… Đây là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp TMĐT xây dựng niềm tin và sự hài lòng của người tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp nếu không tối ưu hóa những khâu này sẽ khó có thể giữ chân khách hàng và tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chỉ tập trung vào giảm giá để thu hút khách hàng sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài. Thay vào đó, doanh nghiệp cần phải nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa chi phí vận hành thông qua việc áp dụng công nghệ mới. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được sự phát triển bền vững trong một thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Điều này đồng nghĩa với việc, để tồn tại và phát triển lâu dài, doanh nghiệp cần xây dựng những giá trị thực sự, không chỉ dựa vào các chiến lược khuyến mãi ngắn hạn. Sự phát triển bền vững cần dựa trên nền tảng công nghệ, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và cải thiện trải nghiệm người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị cho một môi trường kinh doanh TMĐT ngày càng năng động và cạnh tranh khốc liệt hơn. Việc nắm bắt và ứng dụng các xu hướng công nghệ mới sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ trụ vững mà còn vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua TMĐT toàn cầu.

Đáng chú ý, TMĐT không chỉ mang lại cơ hội bứt phá về doanh thu cho doanh nghiệp Việt mà còn là nền tảng để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, từ đó nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường toàn cầu, do đó, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nền tảng TMĐT Trung Quốc, nhà bán hàng Việt cần phải thay đổi các chiến lược maketing cho phù hợp, để giữ chân người dùng trước “mê trận giá” mà Temu đang sử dụng.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/temu-vao-viet-nam-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-them-khoc-liet-post529537.html
Zalo