Team building: Vui thôi, đừng vui quá!
Trên lý thuyết, team building tạm dịch ra tiếng Việt là 'Xây dựng đồng đội' mang ý nghĩa là các hoạt động, trò chơi tập thể, kỳ nghỉ hay chuyến du lịch để những người tham gia trải nghiệm các tình huống, thử thách đã được sắp xếp sẵn để họ rút ra những bài học thực tiễn nhằm điều chỉnh thái độ và hành vi khi làm việc chung với nhau. Tuy chỉ mới rộ lên từ vài năm trở lại đây, nhưng loại hình du lịch này được đánh giá là 'ăn khách' vì quy mô tổ chức và số lượng người tham dự.
Team building du nhập vào Việt Nam khi nền kinh tế của chúng ta bắt đầu mở cửa. Thông thường một số cơ quan, tổ chức thường tổ chức 1 đến 2 đợt team building để thay đổi không khí, tạo động lực làm việc cho mọi thành viên, “làm hết sức, chơi hết mình”, để mỗi chuyến đi du lịch vừa vui, vừa ý nghĩa mà vẫn văn minh.
Chỉ có điều kể từ khi sự việc ở biển Cửa Lò (Nghệ An) xảy ra gần đây thì câu chuyện về team building mới được đẩy lên cao hơn, với những tình tiết chủ yếu nghiêng về phủ nhận, thậm chí tẩy chay hoạt động này.
Phải khẳng định thêm lần nữa, đây là hoạt động vui chơi, huy động được đa số các thành viên bởi sự linh hoạt, ít nhàm chán. Không phủ nhận các trò chơi thường có xu hướng tiệm cận gần với ranh giới của giới tính. Tuy nhiên, không phải team building là trò chơi hưởng ứng việc quấy rối tình dục. Cá nhân tôi không thích cụm từ “gợi dục”, “phản cảm” mà mọi người đang gán cho hoạt động này. Bởi lẽ, xuất phát điểm đây là trò chơi, rất hồn nhiên, vui vẻ và đầy hứng khởi. Song, cái gì ngay ngắn, nghiêm túc thì lại rất bình thường, không nhận được sự tò mò, không được truyền thông. Trong khi càng dung tục, nhố nhăng lại càng gây sự hiếu kỳ cho người khác. Chúng ta đã nghe thấy tên các trò chơi “ăn trái cấm”, “ăn chuối”, “đập bóng", “bắt sâu”, “bú bia”..., nghe thôi, chưa cần chơi cũng khiến nhiều người e ngại. Ranh giới giữa hài hước và vô duyên đôi khi rất nhỏ.
Lại có ý kiến cho rằng, chúng ta có rất nhiều trò chơi dân gian, tại sao không tổ chức, để cho các cháu nhỏ học tập nét đẹp truyền thống của quê hương đất nước. Thiết nghĩ, không nên áp đặt những yêu cầu hay suy nghĩ của mình với người khác. Bởi lẽ, chơi hay không là quyền của mọi người, miễn sao đừng phi văn hóa, đừng phản cảm, đừng đi ngược lại thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Và cũng không nên đánh đồng người có tiền thì hay thích “lố”, vì ai cũng có nhu cầu vui chơi, giải trí; nhất là những người lao động, họ ít được có cơ hội vui chơi, giải trí.
Vấn đề không nằm ở phía trò chơi mà chính đơn vị tổ chức và người chơi phải cùng chung quan điểm. Đơn cử như chơi tiếp nước là một trò rất bình thường trong tổ chức hoạt động team
building. Theo kịch bản, trò chơi diễn ra rất thoải mái. Ở đây chúng ta đều nhận ra sự quá khích dẫn đến việc không ý thức được hành vi gây phản cảm của người chơi. Rồi cả những người quản trò ngoài dẫn chương trình thì chưa bao quát, nhắc nhở kịp thời người chơi.
Vụ việc vui chơi ở Cửa Lò các cơ quan quản lý đã xử phạt đơn vị tổ chức. Tuy nhiên về phía dư luận, mọi chỉ trích đều đổ dồn về phía người chơi. Không ai mong muốn mình “nổi tiếng” theo chiều hướng này. Vì thế, chính người chơi cần cẩn trọng hơn khi tham gia những hoạt động nơi công cộng, hoặc ít nhất hãy luôn tỉnh táo và giữ chuẩn mực. Chơi là phải vui, nhưng vui thôi, xin đừng vui quá.