Tê chân kéo dài, nhiều người 'suýt chết' do điều trị nhầm bệnh

Nhiều người ngỡ ngàng khi tê, đau chân nhưng được chẩn đoán tắc động mạch chủ có nguy cơ hoại tử, nhiễm độc, tử vong.

Ngày 25/9, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều người bị tắc động mạch chủ nhưng nhầm lẫn với bệnh xương khớp do tê chân, đau chân kéo dài.

Theo TS.BS Nguyễn Duy Tân - Trưởng khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều ca bị tắc động mạch chủ nhập viện trong tình trạng nặng do thời gian dài điều trị nhầm bệnh.

"Bệnh tắc động mạch chủ là bệnh lý rất nguy hiểm và dễ nhầm lẫn với những bệnh khác như đái tháo đường, cơ xương khớp, các bệnh về nội tiết …

Theo đó, ban đầu bệnh thường có các dấu hiệu như đau cơ xương khớp, tê chân, đau chân…Trường hợp bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh nhân bị nhiễm độc, nhiễm trùng, teo chi, hoại tử, phải tháo khớp háng, cắt chân, thậm chí tử vong do suy đa cơ quan", Trưởng khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực - Bệnh viện Thống Nhất cho biết.

TS.BS Nguyễn Duy Tân - Trưởng khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực - thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: P.T.

TS.BS Nguyễn Duy Tân - Trưởng khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực - thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: P.T.

Bệnh nhân N.V.T. (nam, 60 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) cho biết, sau khoảng 20 ngày xuất hiện cảm giác đau chân, tê chân thì ngón chân út của ông bắt đầu đen lại và có dấu hiệu hoại tử. Ông đã đi khám tại bệnh viện địa phương và được chẩn đoán thoái hóa khớp. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng thuốc thoái hóa khớp thì tình trạng bệnh của ông vẫn không thuyên giảm, do quá lo lắng nên ông T. đã quyết định xuống TPHCM thăm khám.

Tương tự, bệnh nhân N.V.B (nam, 70 tuổi, ngụ Hóc Môn) nhập viện vì đau, tê vùng mông và đùi 2 bên trong nhiều tháng. Bệnh nhân đã thăm khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng được chẩn đoán mắc bệnh xương khớp và thần kinh. Sau thời gian dài uống thuốc nhưng bệnh không có tiến triển nên đã quyết định tới Bệnh viện Thống Nhất khám lại. Kết quả khám cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch bụng.

TS.BS Nguyễn Duy Tân cho hay, cả 2 bệnh nhân đều bị tắc động mạch chủ bụng và chậu 2 bên và đều được can thiệp nội mạch bằng phương pháp tái tạo ngã ba chủ chậu bằng stent phủ. Phương pháp chỉ gây tê tại chỗ, quá trình thực hiện bệnh nhân vẫn tỉnh táo trao đổi với bác sĩ. Sau can thiệp 6 giờ, bệnh nhân tỉnh táo, có thể ngồi dậy và không để lại sẹo trên khu can thiệp.

Ca phẫu thuật can thiệp tắc động mạch. Ảnh: BVCC.

Ca phẫu thuật can thiệp tắc động mạch. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Tân cho biết, phương pháp can thiệp động mạch rất nhẹ nhàng, tỷ lệ thành công rất cao, đạt từ 90-95%, chi phí điều trị thấp hơn nhiều so với những phương pháp can thiệp khác.

Bệnh tắc động mạch có tỷ lệ mắc rất cao, đặc biệt là ở người trên 60 tuổi. Theo đó, khoảng hơn 50% người cao tuổi mắc bệnh tắc động mạch, tuổi càng cao tỷ lệ mắc càng lớn. Đáng lo ngại rằng, bệnh tắc động mạch đang có dấu hiệu trẻ hóa. Stress là một trong những nguyên nhân dẫn tới xơ vữa động mạch, tắc động mạch.

Tại Bệnh viện Thống Nhất, nhiều bệnh nhân bị tắc động mạch nhập viện trễ đặc biệt là bệnh nhân tới từ các tỉnh lân cận do nhầm lẫn với các bệnh khác. Có nhiều bệnh nhân bị tắc động mạch được phát hiện tại khoa Phẫu thuật chỉnh hình, khoa Cơ xương khớp…

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng tắc động mạch chủ, người dân nên thay đổi lối sống, có chế độ ăn lành mạnh, ăn nhiều rau củ, hạn chế chất béo, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… thường xuyên tập thể dục, kiểm soát đường huyết, theo dõi sát và tầm soát sức khỏe...

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/te-chan-keo-dai-nhieu-nguoi-suyt-chet-do-dieu-tri-nham-benh-169240925154442567.htm
Zalo