Tây Ninh: Thu ngân sách Nhà nước đạt 84% so với dự toán
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 9.330,8 tỷ đồng, đạt 84% so với dự toán, tăng 14,6% và tổng thu nội địa đạt 7.972,6 tỷ đồng, đạt 80,5% so với dự toán, vượt tiến độ, tăng 13,8% cùng kỳ.
Trong 9 tháng năm 2024, công tác thu ngân sách được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố; quản lý, khai thác nguồn thu bảo đảm thu đúng, đủ theo quy định. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 9.330,8 tỷ đồng, đạt 84% so với dự toán, tăng 14,6% và tổng thu nội địa đạt 7.972,6 tỷ đồng, đạt 80,5% so với dự toán, vượt tiến độ, tăng 13,8% cùng kỳ.
Công nhân làm việc tại một công ty trên địa huyện Gò Dầu. Ảnh minh họa
Nhiều nguồn thu đạt cao so dự toán
Có 10/15 khoản thu đạt từ 75% trở lên so với dự toán, như: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 95% dự toán; thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 79,9% dự toán; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 90,6% dự toán; thuế bảo vệ môi trường đạt 75% dự toán; thu phí và lệ phí đạt 101% dự toán; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 93,4% dự toán; thu khác ngân sách đạt 102% dự toán; thu hoa lợi công sản, quỹ đất công ích...
Theo Sở Tài chính, một số nguồn thu tăng cao so dự toán và cùng kỳ chủ yếu là kinh tế có dấu hiệu phục hồi, một số hộ sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp trọng điểm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị tăng đột biến, như: Công ty TNHH Sailun Việt Nam tăng 143,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Cocreation Grass Corporation Việt Nam tăng 51 tỷ đồng, Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa tăng 39,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Can Sports tăng 30 tỷ đồng, Công ty TNHH XNK TMCN Hùng Duy tăng 26 tỷ đồng, Công ty CP Mặt Trời tăng 16,3 tỷ đồng…; tăng mạnh từ phí sử dụng công trình kết cầu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu… Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chuyển biến tích cực, các khó khăn, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, gặp nhiều khó khăn, thách thức khó lường làm ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước và thực hiện các quy định về miễn, giảm thuế.
Có 5/15 khoản thu dưới 75% so với dự toán, gồm: Thu từ doanh nghiệp nước ngoài đạt 63,4% dự toán, giảm 5,2% cùng kỳ; lệ phí trước bạ đạt 65,2%, tăng 0,4% cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân đạt 74,2% dự toán, tăng 6,8% cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt 59,4%, tăng 4,4% cùng kỳ; thu tiền thuê đất đạt 69%, tăng 77,3% cùng kỳ.
Một số nguồn thu không đạt chủ yếu do thu từ thuế giá trị gia tăng các doanh nghiệp trọng điểm của khu vực doanh nghiệp trung ương còn thấp; nhu cầu mua sắm, chuyển nhượng bất động sản tại địa phương còn thấp so với kỳ vọng, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, số lượng hồ sơ giao dịch mua bán, chuyển nhượng còn thấp làm ảnh hưởng tiến độ thu.
Công nhân làm việc tại một công ty may mặc trên địa thị xã Trảng Bàng. Ảnh minh họa
Năm 2024: Ước thu ngân sách vượt dự toán
Dự kiến ước thực hiện thu ngân sách Nhà nước 3 tháng cuối năm 2024 là 2.149 tỷ đồng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2024 là 11.480 tỷ đồng, đạt 103% dự toán (dự toán thu ngân sách Nhà nước là 11.100 tỷ đồng); trong đó, thu nội địa đạt 1.927 tỷ đồng, lũy kế 8.650 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 221 tỷ đồng, lũy kế 1.580 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp phải triển khai nhiệm vụ thu, thực hiện có hiệu quả Luật Quản lý thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách Nhà nước theo quy định, trong đó tập trung khai thác nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tập trung rà soát lại toàn bộ nguồn thu, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, chưa khai thác hết, còn dư địa để tổ chức các biện pháp khai thác tăng thu, bù đắp các khoản hụt thu. Bám sát, thường xuyên cập nhật và đánh giá tình hình, nhận định xu hướng, diễn biến kinh tế tại địa phương, khu vực trung và dài hạn, tổ chức rà soát, đánh giá tác động của các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế năm 2024 đến nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024.
Đánh giá kết quả kinh doanh của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu sau khi triển khai đầy đủ hóa đơn điện tử khởi tạo xuất từng lần bán hàng, đối chiếu doanh thu bán ra, nguồn hàng thu mua từ công ty đầu mối/trung gian; số thuế tăng, giảm... kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro gian lận, từ đó đề xuất tiến hành thanh tra ngay các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh này.
Theo dõi sát sao tiến độ thu nợ và cưỡng chế nợ thuế của các đơn vị để đôn đốc kịp thời; tập trung đôn đốc người nộp thuế thực hiện nộp đầy đủ các khoản thuế phát sinh còn phải nộp sau quyết toán vào ngân sách Nhà nước kịp thời theo quy định; tăng cường thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế, công khai thông tin theo đúng quy định, đẩy mạnh áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Phấn đấu đến 31.12.2024 tỷ lệ nợ có khả năng thu dưới 5% so với số tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành triển khai thực hiện các chính sách gia hạn, giảm thuế… đúng đối tượng; tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tại địa phương quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bày bán lưu thông trên địa bàn; đẩy mạnh truyền thông đến từng xã, phường, thị trấn, công chức, người lao động, tổ chức sản xuất rượu, thuốc lá; đồng thời quán triệt các cấp, ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức, cơ quan Nhà nước chỉ đạo không sử dụng sản phẩm không dán tem, không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ theo quy định.
Ngoài những nhiệm vụ nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề nghị các cấp, ngành hỗ trợ các nhà đầu tư, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã có chủ trương đầu tư, các dự án cần quan tâm thúc đẩy nhanh, như dự án khu đô thị, hạ tầng...
Đối với nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản, xác định nhiệm vụ trong quý IV tương đối nặng nề, chính vì vậy, cần sự quyết liệt, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương, chủ đầu tư.
Đối với vấn đề thu ngân sách Nhà nước, ước năm 2024 tỉnh sẽ vượt thu 380 tỷ đồng so với dự toán, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương đã thu vượt, thu cận dự toán, Ban Chỉ đạo thu ngân sách các cấp tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn thu còn tiềm năng mà chưa quản lý tốt, như: các nguồn thu từ khai thác tài nguyên khoáng sản, lĩnh vực thương mại điện tử, chuyển nhượng dự án...