Tay chân lạnh cảnh báo điều gì?
Tay chân lạnh là tình trạng phổ biến trong mùa đông. Vậy tay chân lạnh có phải do thời tiết hay tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe nào?
1. Những nguyên nhân có thể khiến tay chân lạnh
Thời tiết lạnh là một nguyên nhân gây nên tình trạng tay chân lạnh, nhưng nếu bàn tay và bàn chân liên tục lạnh, có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Hiểu được nguyên nhân gây lạnh bàn chân và tay là rất quan trọng để tìm ra giải pháp điều trị phù hợp.
1.1 Tay chân lạnh do lưu thông máu kém
Mùa đông thường khiến chúng ta lười vận động, điều này không chỉ gây tăng cân mà còn là nguyên nhân làm cho lưu thông máu cũng kém hơn. Đây là lý do phổ biến dẫn tới tình trạng tay chân lạnh. Khi máu không lưu thông tốt đến các chi, chúng có thể gây lạnh và tê ở các đầu chi.
1.2 Chất béo cơ thể thấp
Khi lượng mỡ cơ thể thấp cũng là nguyên nhân gây tay chân lạnh. Mỡ cơ thể đóng vai trò cách nhiệt, giữ nhiệt. Đối với người có tỷ lệ mỡ cơ thể thấp, các chi có thể thiếu độ ấm cần thiết. Để giải quyết tình trạng này, bạn cần tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung thêm chất béo lành mạnh vào chế độ ăn.
1.3 Thiếu máu
Một vấn đề sức khỏe rất phổ biến có thể dẫn đến tay và chân lạnh là thiếu máu. Tình trạng này được đặc trưng bởi sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, có thể dẫn đến tay và chân lạnh. Nếu không có đủ tế bào hồng cầu, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp oxy cho tay và chân, khiến chúng có cảm giác lạnh.
1.4 Các vấn đề về tuyến giáp
Các vấn đề về tuyến giáp, đặc biệt là suy giáp, cũng có thể gây ra tình trạng tay chân lạnh. Tuyến giáp điều chỉnh quá trình trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể, nếu không hoạt động bình thường, bạn có thể dễ cảm thấy lạnh hơn.
Nếu gặp các triệu chứng như mệt mỏi hoặc tăng cân đột ngột, kết hợp với tay chân lạnh, bạn nên kiểm tra nồng độ hormon tuyến giáp. Điều trị bao gồm dùng thuốc và điều chỉnh lối sống, có thể giúp khôi phục sự cân bằng nội tiết tố và giúp các chi ấm lên.
1.5 Bệnh Raynaud
Bệnh Raynaud là một tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến các ngón tay và ngón chân. Khi căng thẳng hoặc tiếp xúc với lạnh, các mạch máu nhỏ ở những vùng này co lại, dẫn đến lạnh và thay đổi màu sắc.
Nếu bạn nghi ngờ mình có thể mắc bệnh Raynaud, hãy đi khám để kiểm soát tình trạng bệnh gồm: Tránh các tác nhân kích thích cụ thể, đeo găng tay, tất ấm và có thể dùng thuốc trong những trường hợp nghiêm trọng hơn.
1.6 Căng thẳng và lo âu
Tay chân lạnh cũng có thể liên quan đến căng thẳng và lo lắng. Khi cơ thể bị căng thẳng, lưu thông máu có xu hướng giảm đến các chi. Các kỹ thuật giảm căng thẳng như chánh niệm, yoga hoặc các bài tập thở sâu có thể cải thiện đáng kể lưu lượng máu và độ ấm ở tay và chân.
1.7 Mất nước dẫn tới tay chân lạnh
Không cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng có thể dẫn đến tay chân lạnh. Khi bạn bị mất nước, lượng máu sẽ giảm, có thể dẫn đến lưu thông máu đến các chi bị giảm. Do đó, bàn chân có thể dễ bị lạnh hơn, đặc biệt là trong môi trường lạnh.
2. Làm thế nào để khắc phục tình trạng tay chân lạnh?
Dưới đây là cách khắc phục tay chân lạnh:
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện lưu lượng máu và tuần hoàn khắp cơ thể, làm ấm các chi.
- Quản lý đường máu: Lượng đường trong máu cao theo thời gian có thể làm hỏng mạch máu, làm giảm lưu thông máu đến bàn chân. Do đó, quản lý tốt đường máu sẽ phòng ngừa, khắc phục tình trạng này.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu nghi ngờ suy giáp là nguyên nhân gây ra tình trạng lạnh bàn chân, hãy đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Mặc quần áo phù hợp: Đảm bảo đi giày vừa vặn, có đủ không gian cho các ngón chân cử động thoải mái mà không làm cản trở lưu thông máu.
- Uống đủ nước: Duy trì đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước trong ngày.
Bằng cách hiểu chính xác nguyên nhân khiến tay chân lạnh, có thể giúp bạn xử lý dễ dàng hơn. Trong một số trường hợp cần đi khám hoặc tham khảo ý kiến của bác sỹ để ứng phó thích hợp.