Tàu thăm dò phía xa Mặt trăng của Trung Quốc mang mẫu vật về Trái đất

Ngày 25/6, tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga-6 của Trung Quốc đã hạ cánh tại khu vực Nội Mông phía bắc Trung Quốc, đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên mang về các mẫu từ phía xa của Mặt trăng.

Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, tàu Hằng Nga-6 đã hạ cánh lúc 2:07 chiều (giờ Bắc Kinh), mang theo đất Mặt trăng được tàu thăm dò thu thập hồi đầu tháng sau khi hạ cánh thành công xuống Lưu vực Aitken - cực nam của Mặt trăng, một miệng núi lửa va chạm ở phía Mặt trăng luôn quay mặt ra xa Trái đất.

Ngay sau khi con tàu hạ cánh, Cục trưởng Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc Zhang Kejian đã tuyên bố hoàn thành thành công sứ mệnh Mặt trăng Hằng Nga-6. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết việc hoàn thành sứ mệnh này là một "thành tựu mang tính bước ngoặt" trong nỗ lực trở thành một cường quốc khoa học và không gian của Trung Quốc.

 Tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga-6 và tổ hợp tên lửa đẩy Trường Chinh-5 Y8 trên bệ phóng tại Bãi phóng Không gian Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 3/5. Ảnh: Reuters

Tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga-6 và tổ hợp tên lửa đẩy Trường Chinh-5 Y8 trên bệ phóng tại Bãi phóng Không gian Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 3/5. Ảnh: Reuters

Tàu thăm dò Hằng Nga-6 được phóng vào ngày 3/5 trên tên lửa Trường Chinh từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương trên đảo Hải Nam phía nam. Theo CCTV, 2kg mẫu thu được từ Mặt trăng sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không đến Bắc Kinh để phân tích.

Các mẫu này sẽ được các nhà khoa học Trung Quốc và nước ngoài phân tích chặt chẽ. Họ tin rằng chúng sẽ tiết lộ những chi tiết mới về sự hình thành của Trái đất, Mặt trăng và hệ mặt trời.

Các mẫu từ sứ mệnh Hằng Nga-5, mang về các mẫu Mặt trăng từ phía gần, đã giúp phát hiện ra các khoáng chất mới và phạm vi chính xác hơn về tuổi địa chất của Mặt trăng.

Thành công của sứ mệnh Hằng Nga-6 có thể mang lại cho chương trình thám hiểm không gian và Mặt trăng của Trung Quốc, vốn đang cạnh tranh chặt chẽ với Mỹ, thu hút được nhiều chính phủ và nhà khoa học nước ngoài hơn.

Các cơ quan vũ trụ và nhà khoa học châu Âu đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác Trung Quốc về dữ liệu và mẫu do các sứ mệnh Mặt trăng của Trung Quốc thu thập.

"Chúng tôi biết rằng phía xa của Mặt trăng thực sự là một nơi khác, nó được làm bằng vật liệu khác với phía gần của Mặt trăng, nó có một lịch sử khác... việc lấy được những mẫu này thực sự có tầm quan trọng cơ bản về mặt khoa học", Neil Melville-Kenney, nhân viên kỹ thuật của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), cho biết.

Kỹ sư này nói thêm rằng ESA sẽ gặp Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc vào tháng 10 để thảo luận về sự hợp tác sâu hơn. Ông nói: "Sự hợp tác mà chúng tôi có ở thời điểm hiện tại (với Trung Quốc) là một bước nhỏ, việc này đã được bắt đầu cách đây khá lâu, có lẽ tình hình lúc đó hơi khác một chút. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ có nhiều sự hợp tác hơn".

Hoài Phương (theo CCTV, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tau-tham-do-phia-xa-mat-trang-cua-trung-quoc-mang-mau-vat-ve-trai-dat-post300692.html
Zalo