Tàu ngầm Arkhangelsk của Nga trong vai trò răn đe chiến lược và tấn công
Theo công bố của cơ quan chức năng Nga hồi đầu tháng 12 năm nay, Hải quân Nga tăng cường khả năng tác chiến dưới nước bằng việc bổ sung Arkhangelsk, một tàu ngầm hạt nhân đa năng, dự kiến sẽ được bàn giao vào mùa hè năm 2025.
Thiết kế tàu ngầm hạt nhân
Tàu ngầm Arkhangelsk là một phần của Dự án 885M lớp Yasen-M hiện đại hóa, được Sevmash - một bộ phận của Tổng công ty đóng tàu thống nhất (USC), chế tạo. Nga đã hạ thủy tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân này ngày 29/11/2023 từ xưởng đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk, tàu bước vào thử nghiệm trên biển vào tháng 6/2024.
Arkhangelsk sở hữu khả năng tàng hình vượt trội, hệ thống sonar tiên tiến và hệ thống chiến đấu tốt hơn so với các tàu ngầm trước đây của Nga. Hiện đang trong quá trình thử nghiệm cấp nhà nước, Arkhangelsk đại diện cho công nghệ và kỹ thuật hải quân mới nhất.
Arkhangelsk mang theo tên lửa hành trình Kalibr-PL, có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa, bao gồm cơ sở hạ tầng quan trọng, trung tâm chỉ huy và căn cứ quân sự. Nó cũng được gắn tên lửa siêu thanh Oniks để chống lại các hạm đội mặt nước, bao gồm các nhóm tác chiến tàu sân bay.
Tên lửa Kalibr của Arkhangelsk mở rộng khả năng của Nga trong việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng từ khoảng cách hàng nghìn kilomet. Khả năng này vừa có tác dụng răn đe vừa có tác dụng nhân lên sức mạnh trong các tình huống xung đột, đặt đối thủ luôn trong tình trạng báo động.
Rakhmanov, người đứng dầu Tập đoàn đóng tàu của Nga cho biết vào tháng 8/2023 rằng tàu ngầm sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh Tsirkons (Zircons). Nó cũng có thể mang tên lửa hành trình Onyx.
Khả năng của tàu ngầm Arkhangelsk
Chức năng của Arkhangelsk là phục vụ cả vai trò răn đe chiến lược và tấn công. Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa NATO và Nga, tàu ngầm này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cán cân quyền lực trong lĩnh vực hàng hải. Với khả năng tiên tiến, Arkhangelsk trở thành một tài sản có khả năng giải quyết một số mục tiêu chiến lược và chiến thuật.
Trong một cuộc xung đột, Arkhangelsk có thể phóng các loạt tên lửa vào các cơ sở quân sự, trung tâm liên lạc hoặc các địa điểm phòng thủ tên lửa của đối phương. Bằng khả năng tàng hình tốt, nó tiếp cận các mục tiêu có giá trị cao mà không bị phát hiện, gây ra mối đe dọa liên tục đối với các hoạt động của hải quân đối phương ở vùng biển tranh chấp, thu thập thông tin tình báo, giám sát và tấn công bất ngờ.
Với thiết kế có khả năng hoạt động ở vùng khí hậu lạnh, Arkhangelsk có thể hỗ trợ các hoạt động ở khu vực Bắc cực ngày càng có nhiều tranh chấp. Việc kiểm soát khu vực này rất quan trọng đối với cả Nga và NATO, vì nơi đây nắm giữ các tuyến đường biển chiến lược và tài nguyên thiên nhiên. Tàu ngầm có thể tuần tra dưới băng Bắc Cực mà không bị phát hiện, thể hiện sức mạnh và đảm bảo các yêu sách của Nga trong khu vực.
Việc triển khai sắp tới của Arkhangelsk cho thấy cam kết của Moscow trong việc mở rộng tiềm năng tác chiến dưới nước, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng với NATO gia tăng. Arkhangelsk là minh chứng cho xu hướng ngày càng tăng đối với các tàu ngầm được trang bị vũ khí hạng nặng và tàng hình, thúc đẩy các quốc gia khác đẩy nhanh các chương trình tác chiến dưới nước của họ.
Arkhangelsk không chỉ là một chiếc tàu ngầm mà còn là tuyên bố về tham vọng chiến lược và sức mạnh công nghệ của Nga. Việc biên chế nó vào Hải quân Nga trong năm 2025 sẽ không chỉ tăng cường năng lực quân sự của Nga mà còn làm gia tăng các lợi ích ở các chiến trường hàng hải quan trọng, từ Bắc cực đến Đại Tây Dương. Đối với NATO, Arkhangelsk là một thách thức lớn, đòi hỏi nhiều nguồn lực và sự đổi mới để giải quyết.