Tàu điện ngầm bằng sợi carbon đầu tiên của thế giới được vận hành ở Trung Quốc
* Trung Quốc xây "Đập Tam Hiệp không gian" khai thác năng lượng mặt trời
Ngày 10/1, theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, tàu điện ngầm bằng sợi carbon đầu tiên trên thế giới có tên "CETROVO 1.0 Carbon Star Express" do Trung Quốc nghiên cứu phát triển đã chính thức bắt đầu phục vụ hành khách trên Tuyến tàu điện ngầm số 1 của Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Tàu điện ngầm bằng sợi carbon đánh dấu một bước đột phá về công nghệ tàu điện ngầm hạng nhẹ tại quốc gia tỉ dân.
Tiến bộ đột phá này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và ít carbon của hệ thống vận tải đường sắt đô thị của Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ ngành đường sắt đô thị đạt được các mục tiêu giảm phát thải mà nước này đã đề ra.
So với các phương tiện tàu điện ngầm bằng kim loại truyền thống được chế tạo bằng hợp kim thép và nhôm, tàu điện ngầm bằng sợi carbon nhẹ hơn khoảng 11% và mức tiêu thụ năng lượng vận hành giảm 7%.
Các cấu trúc chịu lực chính của tàu điện ngầm bằng sợi carbon, chẳng hạn như thân toa xe và khung giá chuyển hướng, được làm từ vật liệu composite sợi carbon.
Sợi carbon có những ưu điểm như nhẹ, độ bền cao, có khả năng chống ăn mòn tốt. Theo tính toán, sợi carbon có sức bền gấp hơn 5 lần thép, và nhẹ hơn thép 4 lần, khiến đây trở thành vật liệu phù hợp cho các phương tiện đường sắt hạng nhẹ.
Trước đó, vào tháng 6/2024, tàu điện ngầm bằng sợi carbon đã được giới thiệu tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc.
* Theo SCMP, một nhà khoa học kỳ cựu Trung Quốc vừa tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng, theo đó sử dụng tên lửa siêu nặng để xây dựng các trạm năng lượng mặt trời trong không gian và ví dự án này như "một công trình Đập Tam Hiệp bên ngoài Trái đất".
Các trạm quang năng ngoài không gian sẽ thu thập năng lượng từ Mặt Trời ngay trên quỹ đạo Trái đất và truyền về mặt đất, cung cấp điện liên tục.
Trong giới khoa học quốc tế, đây được coi là "Dự án Manhattan" của ngành năng lượng.
Ưu điểm của các trạm này là có thể thu thập năng lượng mà không bị ảnh hưởng bởi mùa hay chu kỳ ngày đêm. Hơn nữa, mật độ năng lượng ở không gian cao hơn nhiều - gấp khoảng 10 lần so với trung bình trên bề mặt Trái đất.
"Chúng tôi đang thực hiện dự án này. Nó quan trọng không khác gì việc đưa đập Tam Hiệp lên quỹ đạo địa tĩnh cách Trái đất 36.000km. Đây là một dự án phi thường đáng mong đợi", ông Long Lehao, nhà khoa học tên lửa kiêm thành viên Viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE), cho biết.
"Hãy tưởng tượng việc lắp đặt một dãy pin năng lượng mặt trời rộng 1km dọc theo quỹ đạo địa tĩnh 36.000km", ông Long nói thêm trong bài giảng tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) hồi tháng 10.
Đập Tam Hiệp ở miền Trung Trung Quốc hiện là công trình thủy điện lớn nhất thế giới, nằm ở trung lưu sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc, đập có công suất phát điện hàng năm khoảng 100 tỉ kWh.