Tàu cao tốc hở chỉ được phép chở 12 người trở xuống
Bộ GTVT vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa cao tốc (QCVN 127:2025/BGTVT) thay thế cho QCVN 54:2013, có hiệu lực từ ngày 1/9.
Bổ sung nhiều quy định về kiểm tra trong đóng mới
Theo đó, QCVN 127:2025 bổ sung quy định đối với tàu cao tốc loại hở chỉ được phép chở không quá 12 người, trừ thuyền viên, người lái phương tiện và trẻ em dưới 1 tuổi, đồng thời chỉ được hoạt động trong vùng từ SI trở xuống.
![Tàu thủy cao tốc loại hở chỉ được phép chở không quá 12 người, trừ thuyền viên, người lái phương tiện và trẻ em dưới 1 tuổi (ảnh minh họa).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51438175/5531e83cd3723a2c6363.jpg)
Tàu thủy cao tốc loại hở chỉ được phép chở không quá 12 người, trừ thuyền viên, người lái phương tiện và trẻ em dưới 1 tuổi (ảnh minh họa).
Về quy định kiểm tra phân cấp trong quá trình đóng mới, quy chuẩn quy định phải kiểm tra thân tàu và trang thiết bị, ổn định, mạn khô, hệ thống máy tàu, trang bị điện, trang bị phòng, phát hiện và chữa cháy, phương tiện thoát nạn, trang thiết bị an toàn, ngăn ngừa ô nhiễm.
Tuy nhiên, khối lượng kiểm tra sẽ còn tùy thuộc vào các bộ phận, trang thiết bị bố trí trên tàu cũng như tùy theo công dụng và loại tàu.
Trường hợp tàu được Đăng kiểm phân cấp, trước khi tiến hành thi công phải trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật theo quy định cho Đăng kiểm thẩm định.
Đối với thân tàu làm bằng chất dẻo cốt sợi thủy tinh phải trình tài liệu về quy trình dát và chi tiết các mối nối.
Nếu dự định đóng một con tàu mang cấp của Đăng kiểm thì ngoài những hồ sơ yêu cầu trên còn phải trình thêm: Danh mục và số liệu của vật liệu thô đối với tàu bằng chất dẻo cốt sợi thủy tinh. Nếu sử dụng vật liệu có chứa amiăng thì phải có tài liệu thông báo cụ thể vùng có vật liệu này.
Nếu tàu hoặc hệ thống máy tàu được chế tạo theo một quy trình công nghệ ở cùng một nhà máy trên cơ sở các bản vẽ và hồ sơ đã được Đăng kiểm thẩm định cho tàu khác cùng loại thì được miễn việc trình thẩm định các bản vẽ và hồ sơ trên.
Đối với tàu làm bằng chất dẻo cốt sợi thủy tinh, đăng kiểm viên phải kiểm tra khi thử vật liệu và thử độ bền vật liệu theo quy định.
![Có 4 đợt kiểm tra chu kỳ đối với tàu cao tốc mang cấp của Đăng kiểm cần phải thực hiện trong quá trình khai thác, sử dụng (ảnh minh họa).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51438175/b69d06903dded4808dcf.jpg)
Có 4 đợt kiểm tra chu kỳ đối với tàu cao tốc mang cấp của Đăng kiểm cần phải thực hiện trong quá trình khai thác, sử dụng (ảnh minh họa).
Kiểm tra định kỳ tàu cao tốc trong khai thác thế nào?
Về kiểm tra tàu trong khai thác, QCVN 127:2025 quy định, tất cả các tàu mang cấp của Đăng kiểm phải chịu các đợt kiểm tra chu kỳ bao gồm: Kiểm tra hàng năm; Kiểm tra trung gian (bao gồm kiểm tra trục chân vịt và trục ống bao); Kiểm tra định kỳ (bao gồm kiểm tra trục chân vịt và trục ống bao, kiểm tra máy tàu theo kế hoạch); Kiểm tra trên đà.
Ngoài ra, tất cả các tàu mang cấp của Đăng kiểm cũng phải trải qua các đợt kiểm tra máy tàu theo kế hoạch.
Đối với kiểm tra trung gian và kiểm tra định kỳ, tàu phải được lên đà, tức là được đưa lên ụ khô hoặc được kéo lên triền và phải được kê trên các giá đỡ có chiều cao cần thiết và giàn giáo thích hợp, trừ khi tàu được kiểm tra phần chìm dưới nước theo quy định thay cho việc kiểm tra trong ụ khô hoặc trên triền. Không chấp nhận việc kiểm tra phần chìm dưới nước trong đợt kiểm tra bất kỳ tiếp theo.
Tại các đợt kiểm tra định kỳ các tàu có nhiều két dầu hoặc két nước có thể miễn giảm việc thử thủy lực một số két nào đó, sau khi đăng kiểm viên đã xét đến trạng thái kỹ thuật của tàu và tuổi tàu cũng như quãng thời gian sau lần thử thủy lực trước đó.
Quy chuẩn cũng nêu rõ: Trừ tàu khách, các đợt kiểm tra hàng năm phải được tiến hành trong phạm vi một tháng trước hoặc một tháng sau ngày ấn định kiểm tra hàng năm của đợt kiểm tra phân cấp hoặc đợt kiểm tra định kỳ trước đó.
Thời hạn kiểm tra hàng năm tiếp theo được tính từ ngày kết thúc hàng năm trước đó.
Nếu cả hai đợt kiểm tra hàng năm và kiểm tra trung gian hoặc kiểm tra định kỳ trùng vào một lần thì chỉ tiến hành kiểm tra trung gian hoặc kiểm tra định kỳ.
Đối với kiểm tra trung gian, phải tiến hành trong phạm vi một tháng trước hoặc sau ngày ấn định kiểm tra hàng năm tính từ ngày kết thúc đợt kiểm tra phân cấp hoặc ngày kiểm tra định kỳ trước đó đối với tàu khách.
Trong phạm vi một tháng trước hoặc sau ngày ấn định kiểm tra hàng năm lần thứ hai hoặc lần thứ ba tính từ ngày kết thúc đợt kiểm tra phân cấp hoặc kiểm tra định kỳ trước đó với tàu hàng, nếu kiểm tra trung gian được thực hiện thì không yêu cầu kiểm tra hàng năm.
Nếu cả hai đợt kiểm tra trung gian và kiểm tra định kỳ cùng trùng vào một lần thì chỉ tiến hành kiểm tra định kỳ.
Trong đó, kiểm tra định kỳ được tiến hành trong phạm vi 3 tháng trước ngày ấn định kiểm tra định kỳ. Thời hạn kiểm tra định kỳ tiếp theo được tính từ ngày kết thúc của đợt kiểm tra định kỳ trước đó.
Quy chuẩn cũng quy định, đối với tàu đến 5 tuổi, kiểm tra định kỳ lần thứ nhất. Kiểm tra định kỳ lần thứ hai đối với tàu trên 5 tuổi đến 10 tuổi; tàu trên 10 tuổi đến 15 tuổi kiểm tra định kỳ lần thứ ba; tàu trên 15 tuổi kiểm tra định kỳ lần thứ tư và những lần tiếp theo và tàu trên 20 tuổi phải thực hiện kiểm tra định kỳ lần thứ 5 và những lần tiếp theo.
QCVN 127:2025 không áp dụng cho các tàu dầu, tàu chở xô khí hóa lỏng, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm; các tàu có động cơ làm máy chính có tổng công suất dưới 50 sức ngựa (37,285 kW), các tàu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá.