Tất toán 4 lô trái phiếu, dư nợ Phong điện Yang Trung còn bao nhiêu?
Nhờ sự hậu thuẫn từ SHS và SHB, Phong điện Yang Trung đã phát hành nghìn tỷ trái phiếu để rót vốn vào dự án năng lượng tái tạo. Mới tất toán 4 lô trái phiếu, vậy dư nợ của doanh nghiệp này còn bao nhiêu?
Sạch nợ trái phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX vừa đăng tải văn bản của Công ty CP Phong điện Yang Trung công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo đó, ngày 25/11/2024, Phong điện Yang Trung đã tiến hành mua lại tổng cộng 650 tỷ đồng trái phiếu, cụ thể: 115 tỷ đồng lô YTWCH2124003, 15 tỷ đồng lô YTWCH2124004; YTWCH2125005 và YTWCH2126006, qua đó tất toán cả 4 lô trái phiếu này.
Được biết, cả 4 lô trái phiếu nói trên đều phát hành trong năm 2021. Trong đó, lô trái phiếu YTWCH2124003 phát hành ngày 22/9/2021, giá trị phát hành là 230 tỷ đồng. Mục đích phát hành là để thực hiện đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Yang Trung, công suất 145MW.
Tài sản bảo đảm bao gồm quyền tài sản phát sinh từ và liên quan đến Dự án Nhà máy điện gió Yang Trung bao gồm nhưng không giới hạn bởi: quyền kinh doanh, khai thác, phát triển đầu tư dự án, quyền hưởng lợi và các quyền tài sản khác phát sinh từ dự án; quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm và các quyền tài sản khác của tổ chức phát hành phát sinh từ và liên quan đến hợp đồng mua máy móc, các thỏa thuận đầu tư hạng mục chung (ngoại trừ quyền đối với khoản tiền của các bên khác góp vốn đầu tư và/hoặc xây dựng các hạng mục chung), hợp đồng mua bán điện, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vận hành dự án; các quyền tài sản, bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm và các quyền tài sản khác phát sinh từ tất cả các giao dịch dân sự và tổ chức phát hành tham gia.
Giá trị tài sản bảo đảm là hơn 5.918 tỷ đồng theo chứng thư thẩm định giá số 1400/2021/CT.VASKA ngày 30/8/2021 do Công ty TNHH tư vấn và thẩm định VASKA ban hành.
Số tài sản trên cũng được dùng để bảo đảm cho 2 lô trái phiếu khác của Phong điện Yang Trung là YTWCH2124001 và YTWCH2124002 với giá trị phát hành lần lượt là 130 tỷ đồng và 140 tỷ đồng. Hai lô trái phiếu này đã được doanh nghiệp tất toán lần lượt trong 2 ngày 22/9/2022 và 22/9/2023.
Theo thông tin trên HNX, đơn vị đứng ra thu xếp cho 3 lô trái phiếu YTWCH2124001, YTWCH2124002 và YTWCH2124003 là Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)-CN Gia Lai; trái chủ là 1 tổ chức tín dụng.
Cũng trong năm 2021, Phong điện Yang Trung còn phát hành 3 lô trái phiếu YTWCH2124004; YTWCH2125005 và YTWCH2126006 cùng ngày 22/12/2021 với tổng giá trị phát hành là 550 tỷ đồng.
Như vậy, với việc tất toán 4 lô trái phiếu trong ngày 25/11/2024, Phong điện Yang Trung đã sạch nợ trái phiếu
Từ Hoàng Sơn Group đến T&T Group
Theo tìm hiểu, Phong Điện Yang Trung được thành lập vào ngày 3/8/2020, trụ sở tại 99B Phạm Văn Đồng (phường Thống Nhất, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai); ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất điện.
Vốn điều lệ ban đầu của Phong Điện Yang Trung là 450 tỷ đồng; cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP HB Grand Land (40%), Công ty CP Đầu tư Năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn (15%) và Công ty CP Đầu tư bất động sản STC Golden Land (45%). Thời điểm này, ông Nguyễn Nam Chung (SN 1972) là Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Nam Chung cũng là Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật của STC Golden Land và Đầu tư Năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn.
Ngoài ra, ông Nguyễn Nam Chung còn được biết đến là thể nhân quan trọng trong "hệ sinh thái" Hoàng Sơn Group.
Quay trở lại với Phong Điện Yang Trung, sau khi cả 3 cổ đông sáng lập đồng loạt thoái vốn; Công ty CP Đầu tư Phát triển Năng Lượng Gia Lai trở thành cổ đông sở hữu tỷ lệ lên đến 99,99%.
Công ty CP Đầu tư Phát triển Năng Lượng Gia Lai được thành lập vào tháng 9/2020 với vốn điều lệ 915 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Đầu tư bất động sản STC Golden Land (45%); Công ty CP HB Grand Land (40%), Công ty CP Đầu tư Năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn (15%). Người đại diện vẫn là ông Nguyễn Nam Chung- Tổng Giám đốc. Tháng 10/2020, vị trí này do bà Phạm Thanh Hương đảm nhiệm và sau đó đến tháng 10/2024 là ông Đỗ Văn Công.
Vốn được biết là dự án do Hoàng Sơn sở hữu, Yang Trung sau đó gia nhập hệ thống T&T Energy của T&T Group và được khởi công hồi đầu năm 2021.
Dấu ấn của T&T Group tại Phong điện Yang Trung càng thể hiện rõ khi tháng 8/2021, doanh nghiệp này tăng vốn lên 1.250 tỷ đồng. Chỉ khoảng 1 tháng sau, Phong điện Yang Trung phát hành 3 lô trái phiếu YTWCH2124001, YTWCH2124002 và YTWCH2124003 dưới sự thu xếp của SHB và SHS.
Tháng 1/2022, ông Nguyễn Thái Hà thay ông Hoàng Xuân Tùng làm Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Phong điện Yang Trung.
Ông Nguyễn Thái Hà được biết đến là đại diện pháp luật Công ty CP Tập đoàn Năng lượng T&T- công ty con do T&T Group nắm 70% vốn.
Theo đăng ký thay đổi gần đây nhất (tháng 11/2023), người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Trần Minh Dũng (SN 1983)- Tổng Giám đốc.
Liên quan đến dự án năng lượng của Phong điện Yang Trung, tháng 8/2023, Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) đã ký kết hợp tác bảo hiểm với 2 Công ty điện gió thuộc Tập đoàn T&T là CTCP Phong điện Yang Trung và CTCP Phong điện Chơ Long. Tổng giá trị bảo hiểm của 2 dự án lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.
Theo hợp đồng đã ký kết, BSH sẽ cung cấp bảo hiểm mọi rủi ro tài sản (bao gồm cháy nổ bắt buộc) cho nhóm tài sản thuộc dự án nhà máy điện gió Yang Trung thuộc xã Yang Trung, Chơ Long, Đăk Pơ Pho và dự án nhà máy điện gió Chơ Long thuộc huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai.