Tất tần tật các thông tin về nghĩa vụ quân sự 2025, đối tượng nhập ngũ nên biết
Bộ Quốc phòng đã ban hành Hướng dẫn 4705/HD-BQP về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025. Đối tượng nhập ngũ cần lưu ý gì khi thực hiện nghĩa vụ?
Thời gian giao nhận công dân đi nghĩa vụ quân sự năm 2025
Bộ Quốc phòng đã ban hành Hướng dẫn 4705/HD-BQP về việc tuyển chọn và gọi công dân đi nghĩa vụ quân sự năm 2025.
Theo đó, năm 2025 sẽ tiến hành tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ một đợt; thời gian giao nhận quân từ ngày 13 đến hết ngày 15/2/2025 (từ ngày 16 đến hết ngày 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Ngày 13/2, có 52 tỉnh, thành phố tổ chức lễ giao nhận quân, bao gồm Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; 6 tỉnh thuộc Quân khu 1; 4 tỉnh thuộc Quân khu 2; 9 tỉnh, thành thuộc Quân khu 3; 11 tỉnh, thành thuộc Quân khu 5; 9 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 7; 12 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 9.
Ngày 14/2, có 6 tỉnh, thành tổ chức lễ giao nhận quân (thuộc Quân khu 4).
Ngày 15/2, có 5 tỉnh (thuộc Quân khu 2) tiến hành lễ giao nhận quân.
Để công tác tuyển quân năm 2025 đủ chỉ tiêu được giao, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành, Bộ Quốc phòng hướng dẫn một số nội dung công tác tuyển quân năm 2025.
Đối với các địa phương giao quân, thực hiện tốt công tác đăng ký NVQS và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS; nâng cao chất lượng việc bình cử, đề xuất công dân nam trong độ tuổi thực hiện NVQS đi sơ tuyển NVQS bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai;
Tổ chức xét duyệt công dân tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ, công dân đủ điều kiện nhập ngũ chặt chẽ, nghiêm túc, không để sai đối tượng hoặc sót lọt nguồn công dân nhập ngũ.
Chỉ đạo niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và thông báo đến từng thôn các nội dung theo đúng quy định.
![Bộ Quốc phòng đã ban hành Hướng dẫn 4705/HD-BQP về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025. Ảnh minh họa: TL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_91_51438086/3d493b41000fe951b01e.jpg)
Bộ Quốc phòng đã ban hành Hướng dẫn 4705/HD-BQP về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025. Ảnh minh họa: TL
Những điểm mới trong công tác nhập ngũ
Chia sẻ trên VietNamNet, Thiếu tướng Lường Văn Thắng (Phó Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng) cho biết, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025 có những điểm mới so với năm trước. Những năm trước đây quy định khám sức khỏe nghĩa vụ chủ yếu khám lâm sàng là chính, trường hợp cần thiết mới quyết định xét nghiệm cận lâm sàng.
Sau khi nhận quân về, các đơn vị của Quân đội phúc tra sức khỏe, triển khai xét nghiệm cận lâm sàng, qua đó đã phát hiện bệnh lý về nội, ngoại khoa mà khi khám ở địa phương không thể phát hiện qua khám lâm sàng dẫn đến không đủ tiêu chuẩn phải bù đổi, loại trả gây tốn kém về ngân sách, thời gian của đơn vị, địa phương và ảnh hưởng đến tâm lý công dân và gia đình.
Theo Thông tư 105/2023/TT-BQP, quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Về tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025 thực hiện theo quy định tại Thông tư, riêng tiêu chuẩn về mắt vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 148 ngày 4/10/2018 của Bộ trưởng Quốc phòng.
Về nội dung khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự bao gồm khám thể lực, lâm sàng theo chuyên khoa và khám cận lâm sàng. Do đó, việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và khám phúc tra sức khỏe chiến sĩ mới năm 2025 được thực hiện chặt chẽ, thống nhất giữa địa phương và đơn vị sẽ hạn chế thấp nhất khả năng bù đổi, loại trả công dân không đủ tiêu chuẩn sức khỏe.
Quân đội chủ trương tuyển quân có tiêu chuẩn từ cao xuống thấp và chú trọng tuyển chọn công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Đây là chủ trương phù hợp với nhu cầu bố trí, sử dụng của Quân đội nhằm tuyển chọn được nguồn công dân nhập ngũ có chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngoài ra còn tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, rộng khắp và tạo nguồn cán bộ cho cơ sở.
Nghĩa vụ quân sự là gì?
Theo Khoản 1, Điều 4 trong Chương I của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Tất cả công dân của Việt Nam đang ở trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ học vấn hay nghề nghiệp cũng như nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
Nghĩa vụ quân sự là một trong những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện của công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự
Điều 12 trong Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 có nêu rõ:
- Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
- Công dân nữ quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Luật này đủ 18 tuổi trở lên.
Theo Điều 30 chương IV trong Luật Nghĩa vụ nói về độ tuổi gọi nhập ngũ chi tiết như sau:
Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Từ đó, độ tuổi đăng ký nhập ngũ theo Luật quy định là nam từ 17 tuổi trở lên nếu bạn tự nguyện muốn đăng ký nghĩa vụ quân sự, còn đối với nữ là 18 tuổi trở lên nhưng phải có thêm một số tiêu chuẩn theo quy định.
Còn độ tuổi gọi nhập ngũ bắt buộc sẽ là công dân từ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Trong trường hợp công dân nam đang trong quá trình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo đại học, cao đẳng thì sẽ gia hạn tuổi được gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Ngoài tiêu chuẩn về độ tuổi để đăng ký nghĩa vụ quân sự thì cũng sẽ có những tiêu chuẩn về chính trị, sức khỏe cũng như tiêu chuẩn về văn hóa để đảm bảo đủ tiêu chuẩn tuyển quân, tiêu chuẩn được được quy định rất chi tiết cụ thể trong Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Tuy nhiên, ngoài đáp ứng đủ điều kiện trong độ tuổi nhập ngũ như đã nêu ở trên thì bạn vẫn phải chú ý đến tiêu chuẩn của công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ nếu tham gia Công an nhân dân, chi tiết tiêu chuẩn được nêu rõ ở Điều 31 chương IV trong Luật Nghĩa vụ quân sự, đó là:
- Có lý lịch rõ ràng.
- Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định.
- Có trình độ văn hóa phù hợp.
Bên cạnh đó, thì tiêu chuẩn công dân nếu được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân sẽ theo quy định cụ thể tại Điều 7 của Luật Công an nhân dân.
Vật dụng nào được mang theo khi đi nghĩa vụ quân sự?
Các tân binh cũng nên chủ động chuẩn bị những đồ dùng cần thiết sau đây cho bản thân trước khi đi nghĩa vụ quân sự:
- Bút tẩy để đánh dấu quần áo, đồ dùng, tránh việc thất lạc hoặc lẫn với người khác.
- Bàn chải đánh răng (không cần mang theo kem đánh răng).
- Dầu gió, miếng dán hoặc kem xoa bóp phòng khi luyện tập, huấn luyện bị mệt mỏi, đau nhức cần dùng đến; Viên sủi C để tăng sức đề kháng; thuốc cảm cúm, đau bụng tiêu chảy…
- Kim chỉ để khâu quần áo.
- Đồ bấm móng tay.
- Dao cạo râu tiện dụng.
- Bàn chải giặt quần áo.
- Đài hoặc máy nghe nhạc MP3 để giải trí.
Ngoài các vật dụng cần thiết nêu trên thì tân binh nên mang theo một số tiền mặt nhỏ phòng thân dù binh sĩ cũng sẽ có phụ cấp mỗi tháng.
Lưu ý: Tân binh không nên đem theo các vật dụng cồng kềnh vì riêng trọng lượng quân tư trang trong ba lô được cấp phát của tân binh đã nặng hơn 13kg, việc mang thêm đồ dùng cồng kềnh, nặng nề sẽ rất khó mang đi khi di chuyển.
Nghĩa vụ quân sự 2025 đi mấy năm?
Theo quy định tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
Bộ trường Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ những không quá 06 tháng khi thuộc các trường hợp sau:
- Để đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Như vậy, những người đi nghĩa vụ quân sự sẽ phải đi từ 24 - 30 tháng và chỉ đi tối đa 30 tháng nếu thuộc trường hợp bị kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ nêu trên, trừ trường hợp có chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì thực hiện theo quy định riêng.
Thời hạn này được tính từ ngày giao, nhận quân. Nếu không có buổi giao, nhận quân tập trung thì thời hạn đi nghĩa vụ quân sự được tính từ ngày đơn vị quân đội tiếp nhận cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xuất ngũ.
* Lưu ý: Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.