Tập trung vào chính sách của ông Donald Trump

Sự không chắc chắn về các động thái của Mỹ một khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm tới đã phủ bóng lên chương trình nghị sự của APEC.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 diễn ra tại thủ đô Lima-Peru trong ngày 16-11 (giờ địa phương), tập trung thảo luận việc tăng cường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, cũng như tăng trưởng kinh tế bền vững trong khu vực.

APEC được thành lập năm 1989 với mục tiêu tự do hóa thương mại khu vực. Diễn đàn này quy tụ 21 nền kinh tế, chiếm khoảng 60% GDP thế giới và hơn 40% thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn về các động thái của Mỹ một khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm tới đã phủ bóng lên chương trình nghị sự của APEC. Ông Victor Cha, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cho rằng APEC năm nay sẽ tập trung vào chính sách dự kiến của chính quyền ông Donald Trump về thương mại, liên minh và các vấn đề khác.

Tổng thống Joe Biden đến sân bay quốc tế Jorge Chavez trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Lima - Peru ngày 14 -11 Ảnh: REUTERS

Tổng thống Joe Biden đến sân bay quốc tế Jorge Chavez trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Lima - Peru ngày 14 -11 Ảnh: REUTERS

Đã xuất hiện nỗi lo việc ông Trump thắng cử tổng thống Mỹ có thể dẫn các chính sách bảo hộ mạnh mẽ hơn ở nước này và làm leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Khi còn tranh cử, ông Trump cam kết sẽ áp thuế từ 10% đến 20% đối với hàng hóa nhập khẩu; mức thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thậm chí đến 60%.

Bên lề hội nghị APEC, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến hội đàm song phương trong ngày 16-11 (giờ địa phương). Đây có thể là cuộc gặp trực tiếp cuối cùng giữa hai nhà lãnh đạo này trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1-2025.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Biden sẽ không chuyển thông điệp nào từ ông Trump đến Chủ tịch Trung Quốc nhưng có thể nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh xung đột quân sự.

Cũng theo ông Sullivan, sự cạnh tranh về kinh tế, quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình thế giới trong 30 năm tới, đồng thời nói thêm rằng Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ từ lâu thể hiện sự đồng thuận trong chính sách đối ngoại.

Ông Sullivan nói thêm chuyến đi lần này của ông Biden còn nhằm phát đi thông điệp Mỹ xem trọng và đầu tư vào các liên minh của Mỹ, đồng thời cảm ơn những đối tác đã giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tại Peru, Tổng thống Biden dự kiến có cuộc họp 3 bên với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, cũng như gặp Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 14-11 dự khánh thành cảng đầu tiên do Trung Quốc tài trợ ở Nam Mỹ, tại Chancay, phía Bắc Lima. Theo báo El Peruano, ông Tập khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Lima và các đối tác khác hướng tới "chủ nghĩa đa phương thực sự" và toàn cầu hóa kinh tế bao trùm mang lại lợi ích cho mọi người.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tap-trung-vao-chinh-sach-cua-ong-donald-trump-196241115204749363.htm
Zalo