Tập trung ứng phó với thiên tai, mưa bão trên địa bàn tỉnh

Ngày 21/7, UBND tỉnh có văn bản hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các xã, phường về tập trung ứng phó với thiên tai, mưa bão trên địa bàn tỉnh.

Văn bản nêu rõ: Thời gian qua, thời tiết tỉnh Lào Cai diễn biến phức tạp, thiên tai, mưa lớn, mưa đá, sạt lở đất, ngập úng... đặc biệt, hoàn lưu bão số 3 (Yagi) năm 2024 đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

 Hoàn lưu bão số 3 năm 2024 gây ngập úng, sạt lở, lũ quét tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Hoàn lưu bão số 3 năm 2024 gây ngập úng, sạt lở, lũ quét tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Trong năm 2025, theo nhận định từ Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai, khu vực tỉnh Lào Cai, nhiều khả năng xuất hiện mưa lớn diện rộng, trong đó, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đá, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Đặc biệt, từ ngày 19/7/2025, cơn bão có tên quốc tế Wipha đã di chuyển vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm 2025, gây ảnh hưởng đối với nước ta, cường độ đạt cấp 10 - 12, giật cấp 15. Từ ngày 21 - 23/7/2025, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, gây gió mạnh, mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Dự báo bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới khi vào sâu trong đất liền khu vực Bắc Bộ; tỉnh Lào Cai cũng nằm trong ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Từ ngày 21 - 23/7/2025, sẽ gây gió mạnh, mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ, lượng mưa dự báo trung bình từ 100 - 200 mm, có nơi trên 300 mm. Có khả năng rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá tại các khu vực vùng núi cao, ngập úng trên diện rộng tại các khu vực ven sông, suối, vùng trũng, thấp.

Tính đến chiều 20/7/2025, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa vừa, vừa to, kèm theo gió rất mạnh, hậu quả làm cây cối đổ, gãy, sập nhà, tốc mái ở một số địa phương.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, diễn biến bất thường của thời tiết trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương: tập trung, quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Theo dõi sát diễn biến của bão, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thông báo, hướng dẫn người dân thực hiện ngay các biện pháp phòng, tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra; khẩn trương sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; bố trí lực lượng, phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan, kịp thời tổ chức cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.

Sở Nông nghiệp và Môi trường: phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, huy động tối đa lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng tham gia, huy động sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động của các thủy điện, hồ chứa, đập, kể cả các hồ chứa nước thải quặng trên địa bàn; nắm chắc tình hình diễn biến bão, lưu lượng nước, hoạt động xả lũ tại các hồ, đập phải đảm bảo an toàn, theo đúng quy định.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: bám sát tình hình diễn biến của thời tiết để chỉ đạo các đơn vị thông tin, truyền thông tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản; kịp thời thông tin tình hình mưa lũ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng nhận biết, phát hiện kịp thời những nơi có dấu hiệu sụt lún, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng… để chủ động phòng ngừa và thông báo ngay cho chính quyền cơ sở.

Sở Giáo dục và Đào tạo: phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho giáo viên, sinh viên, học sinh kiến thức về thiên tai và biện pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn.

Sở Xây dựng: tuyên truyền cho doanh nghiệp vận tải và người dân chú ý bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông tại những khu vực nguy hiểm, trong điều kiện thời tiết xấu; rà soát các điểm nguy cơ để cắm biển, căng dây cảnh báo khu vực sạt lở, phối hợp tổ chức cấm đường, điều tiết, phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân; bố trí lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tham gia cứu hộ, không để ách tắc giao thông kéo dài.

Sở Y tế: chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện và thuốc y tế dự phòng, tổ chức kiểm tra và bố trí lực lượng phòng chống dịch bệnh; xây dựng các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế (đặc biệt là đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế).

Sở Công Thương: phối hợp với các địa phương có kế hoạch dự trữ và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho vùng bị thiên tai; chủ động kiểm tra, đảm bảo an toàn về điện trong điều kiện thiên tai, mưa bão.

Sở Tài chính: dự trù kinh phí dự phòng để cứu trợ Nhân dân khi thiên tai lớn xảy ra; có trách nhiệm giải quyết, hướng dẫn, sử dụng kinh phí phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các cấp, các ngành bảo đảm kịp thời và có hiệu quả.

Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh: rà soát, kiểm tra cụ thể các trang thiết bị đã được trang cấp phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn để kịp thời khắc phục, sửa chữa và bổ sung nếu còn thiếu hoặc hư hỏng hoàn toàn. Chỉ đạo, bố trí lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

 Người dân cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống thiên tai.

Người dân cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống thiên tai.

Báo và Phát thanh truyền hình tỉnh Lào Cai và các cơ quan thông tin tăng cường công tác truyền tin, phổ biến các thông tin dự báo, cảnh báo tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, các chủ trương, chỉ thị, chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động trong ứng phó với thiên tai; tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là lực lượng xung kích tại cơ sở.

UBND các xã, phường:nắm bắt tình hình diễn biến thiên tai để cảnh báo, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động ứng phó; tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và Nhân dân về nhiệm vụ phòng chống thiên tai; vận động người dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng chống bảo vệ tài sản của gia đình. Tổ chức tổng rà soát, xác định các vị trí, địa điểm nguy cơ mất an toàn (khu vực có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá, ngập úng...) trên địa bàn để triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân; chủ động rà soát, nắm thông tin các công trình, dự án đang thi công trên địa bàn, chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, có biện pháp xử lý thông thoát nước tại các công trình, không để ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Ngân Hà

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tap-trung-ung-pho-voi-thien-tai-mua-bao-tren-dia-ban-tinh-post649393.html
Zalo