Giải pháp tránh sạt lở đất cho những ngôi nhà dưới chân đồi

Mỗi khi mưa lũ kéo đến, nhiều hộ dân ở tỉnh Yên Bái cũ (nay là các phường, xã của tỉnh Lào Cai mới) lại đối mặt với nỗi lo sạt lở đất, bởi họ không chỉ có thể bị mất đi nhà cửa, tài sản mà còn bị đe dọa tới cả tính mạng.

Làm thế nào để sinh sống an toàn nơi chân đồi, ven núi là bài toán nhiều năm chưa có lời giải triệt để cho người dân nơi đây. Do địa hình đồi núi, không có nhiều mặt bằng để xây dựng nhà cửa, nên nhiều hộ dân ở tỉnh Yên Bái cũ, nay là các xã, phường của tỉnh Lào Cai mới đã chọn cách sinh sống dưới chân đồi hoặc ven núi, với taluy có nơi còn cao hơn cả mái nhà 2 - 3 tầng. Khi mưa kéo dài, đất trên cao no nước, sạt lở xuống, nhẹ thì bùn đất ngập ngụa, hư hỏng tài sản, nặng thì sập nhà gây chết người.

Do điều kiện địa hình, nhiều hộ dân chọn cách san gạt, làm nhà dưới chân đồi và ven núi

Do điều kiện địa hình, nhiều hộ dân chọn cách san gạt, làm nhà dưới chân đồi và ven núi

Thống kê riêng cơn bão số 3 năm 2024, trong số 54 người chết vì mưa lũ tại tỉnh Yên Bái cũ, có tới 50 người chết do sạt lở đất, hàng chục người bị thương phải điều trị tại các cơ sở y tế. Qua kiểm tra, khảo sát, thành phố Yên Bái cũ có hơn 470 điểm sạt lở; hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở, gần 1.000 hộ dân đã phải di dời và lên phương án di dời.

Gần 1 năm qua đi, tại phường Yên Bái, tỉnh Lào Cai (hợp nhất của các phường Đồng Tâm, Yên Ninh, Minh Tân, Hồng Hà của thành phố Yên Bái cũ) nay vẫn còn rất nhiều điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, đặc biệt là khu vực tổ dân phố Đồng Tâm 16, khu vực đường Yên Ninh giáp Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, khu vực đường Điện Biên đoạn km3,5 đối diện siêu thị Dũng Linh…

Trong cơn bão số 3 năm 2024, nhiều tuyến đường ở Yên Bái, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, các hộ dân sống dưới chân đồi không dám về nhà; đến nay nhiều khu vực vẫn chưa khắc phục triệt để

Trong cơn bão số 3 năm 2024, nhiều tuyến đường ở Yên Bái, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, các hộ dân sống dưới chân đồi không dám về nhà; đến nay nhiều khu vực vẫn chưa khắc phục triệt để

Những người dân sinh sống dưới chân đồi nêu nhiều kiến nghị và giải pháp: "Tôi mong muốn chính quyền hạ thấp taluy xuống cho đỡ sạt lở, kinh phí chủ yếu vẫn là của địa phương, vì kinh tế nhiều gia đình hiện giờ không đủ khả năng"; "Tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương khảo sát xem có biện pháp san gạt bớt đất ở những chỗ cao cho người dân đỡ lo"; "Taluy dựng đứng nên tôi nghĩ cứ cắt trên đỉnh lưng chừng đi 1/2 hoặc 1/3 sẽ hết nguy hiểm"...

Ông Phùng Tiến Thanh, Chủ tịch UBND phường Yên Bái cho biết, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm liên quan đến sạt lở đất để bà con nâng cao ý thức phòng chống. Về lâu dài, phường giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để có kế hoạch giảm độ dốc taluy, đỡ nguy hiểm cho người dân sống ở gần các khu vực có taluy cao.

"Hiện nay phường đang rà soát, đánh giá số liệu vì trước đây trên địa bàn thành phố Yên Bái cũ có số liệu nhưng hiện nay số liệu của phường khác đi. UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo cho thành phố Yên Bái trước đây, nay nhiệm vụ này phường Yên Bái sẽ kế thừa, lên phương án đề xuất tạo ra các quỹ đất an toàn để di dân khỏi những vùng thiên tai. Theo chỉ đạo của tỉnh, phường sẽ rà soát lại, xây dựng phương án đề xuất với tỉnh để đảm bảo an toàn cho người dân", ông Phùng Tiến Thanh nói.

Mới đây nhất tại thôn Khe Qué, xã Xuân Ái, tỉnh Lào Cai xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng, vùi lấp 2 căn nhà, làm 5 người thương vong

Mới đây nhất tại thôn Khe Qué, xã Xuân Ái, tỉnh Lào Cai xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng, vùi lấp 2 căn nhà, làm 5 người thương vong

Ngoài phường Yên Bái, hiện nay tại nhiều xã, phường của tỉnh Lào Cai, đặc biệt là các xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã của các huyện Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu cũ… cũng đều đối mặt với nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất mỗi mùa mưa lũ.

Mới đây nhất, vào 21h25' tối 13/7, tại thôn Khe Qué, xã Xuân Ái, tỉnh Lào Cai (địa phận xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũ) đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng, vùi lấp 2 căn nhà, làm 5 người thương vong. Anh Đoàn Thanh Nam, là hàng xóm của 2 hộ nêu trên, đến giờ vẫn chưa hết sợ hãi. Anh cho biết gia đình xác định phải chuyển đến nơi khác sinh sống để đảm bảo an toàn. "Thực sự gia đình rất sợ không dám về đây ở vì nguy cơ sạt lở đất rất cao. Người dân bây giờ muốn được bố trí đất tái định cư an toàn, hoặc nhà nước hỗ trợ quy hoạch để tạo điều kiện cho người dân mua đất sinh sống an toàn hơn", anh Nam đề nghị.

Sạt lở đất khiến ngôi nhà xây kiên cố cũng sập đổ hoàn toàn

Sạt lở đất khiến ngôi nhà xây kiên cố cũng sập đổ hoàn toàn

Ông Lưu Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Ái, tỉnh Lào Cai cho biết, trước mắt xã sẽ tiến hành di dời toàn bộ những hộ dân đang ở trong khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi ở tạm an toàn hơn. Thời gian tới, ngoài tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động phòng tránh sạt lở đất, xã cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền có giải pháp triệt để, để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá.

"Xã cũng đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo cũng như đề xuất một số hỗ trợ thuộc thẩm quyền của tỉnh và xã, phối hợp với các Sở, ban, ngành để khắc phục dứt điểm những thiệt hại do sạt lở gây ra. Xã cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền có những giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng người dân trên địa bàn", ông Lưu Trung Kiên chia sẻ.

Chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra, cảnh báo nhân dân đề phòng sạt lở đất gây hư hỏng nhà cửa

Chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra, cảnh báo nhân dân đề phòng sạt lở đất gây hư hỏng nhà cửa

Để đảm bảo an toàn tính mạng trong mùa mưa lũ, theo một số chuyên gia, trước mắt các hộ dân sinh sống dưới chân đồi, ven núi cần phải tuân thủ nghiêm túc việc di dời mỗi khi có mưa lớn, mưa kéo dài; tuyệt đối không trở về nhà khi chưa an toàn. Chính quyền địa phương cần phải bố trí các lực lượng túc trực thường xuyên để canh gác tại các khu vực nguy hiểm, không để cho người dân quay trở lại nhà khi chưa đảm an toàn.

Về lâu dài, các địa phương và ngành chức năng cần chủ động tư vấn, hướng dẫn người dân khi làm nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng cần chọn những địa điểm an toàn. Khi đánh đất làm nhà, phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn để đảm bảo an toàn. Chính quyền các địa phương cũng phải tăng cường công tác kiểm soát, nắm bắt tình hình, không để người dân xây dựng nhà ở và các xưởng sản xuất tại nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất... Và trên hết, cần có một bản đồ sạt lở đất trên phạm vi cả nước với tỷ lệ lớn hơn để quy hoạch các cơ sở sản xuất, bố trí các khu dân cư đảm bảo an toàn, tránh những hậu quả đáng tiếc mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giai-phap-tranh-sat-lo-dat-cho-nhung-ngoi-nha-duoi-chan-doi-post1216449.vov
Zalo