Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các cụm công nghiệp

Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng quản lý, đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Được đầu tư xây dựng từ năm 2004, đến nay, CCN làng nghề Tề Lỗ (Yên Lạc) thu hút gần 400 hộ gia đình, cá nhân vào sản xuất, kinh doanh với đa dạng các ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, đặc biệt giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đất cho các hộ sản xuất, kinh doanh trong CCN còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù CCN đã được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên, hệ thống xử nước thải đã xuống cấp do công nghệ lạc hậu, một số thiết bị đã bị hỏng, hoạt động không thường xuyên.

CCN làng nghề Yên Đồng được UBND huyện Yên Lạc tổ chức đấu giá hạ tầng kỹ thuật cho thuê đất trong CCN và bàn giao sử dụng đất từ năm 2018 cho 90 hộ gia đình, cá nhân nhưng đến nay chưa ký được hợp đồng cho thuê đất đối với các hộ trên.

Cụm công nghiệp Đồng Văn (Yên Lạc) mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động trên địa bàn. Ảnh: Thế Hùng

Cụm công nghiệp Đồng Văn (Yên Lạc) mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động trên địa bàn. Ảnh: Thế Hùng

Năm 2018, UBND huyện tiếp tục tổ chức đấu giá 10 ô đất còn lại cho 10 hộ gia đình, cá nhân trúng đấu giá và đã được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 3606 ngày 6/9/2018, nhưng đến nay chưa có quyết định cho thuê đất. Hiện nay, CCN đang thu hút 54 hộ vào sản xuất, kinh doanh với ngành nghề chủ yếu gồm tái chế nhựa, xay nhựa, tạo hạt. Tuy nhiên, hệ thống thu gom nước thải, nước sạch, các trụ phòng cháy, chữa cháy chưa được đầu tư xây dựng.

Trong buổi kiểm tra thực tế tại các CCN trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga yêu cầu các sở, ngành chức năng cùng vào cuộc với các địa phương, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. Huyện Yên Lạc thành lập Tổ Công tác để giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; phối hợp với các đơn vị liên quan có giải pháp để duy trì thường xuyên hoạt động của hệ thống xử lý nước thải, đề xuất báo cáo thực hiện đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nếu có. Đồng thời tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vi phạm về bảo vệ môi trường nếu có…

Toàn tỉnh hiện có 16 CCN được thành lập, thu hút gần 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 6.700 lao động. Qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập cho người lao động; từng bước giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu sản xuất tập trung tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều CCN trên địa bàn chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, không đạt chỉ tiêu về môi trường. Công tác quản lý nhà nước đối với CCN còn nhiều hạn chế, sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước chưa chặt chẽ.

Tiến độ triển khai các dự án hạ tầng CCN hầu hết còn chậm, năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế nhiều mặt. Việc giải phóng mặt bằng, giao đất cho các CCN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mà chưa được giải quyết kịp thời. Số CCN hoàn thành hạ tầng mới đạt 23,8%; tỷ lệ lấp đầy các CCN chỉ đạt 42,43%.

Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ quy hoạch phát triển mới 31 CCN, nâng tổng số CCN trên địa bàn tỉnh lên 47 CCN; đến năm 2050 toàn tỉnh có 51 CCN, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tại Chỉ thị số 01, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng tiếp tục rà soát, đánh giá, phân tích cụ thể những khó khăn, vướng mắc đối với từng CCN, đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị nhằm giải quyết có hiệu quả hạn chế, bất cập đối với các CCN.

Tiếp tục rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng của CCN đã được thành lập. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường, kinh phí duy tu, bảo dưỡng tại các CCN.

Đề xuất định hướng thu hút đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên tại các CCN phù hợp với Nghị định số 32 ngày 15/3/2024 của Chính phủ và yêu cầu thực tế tại các huyện, thành phố...

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126539//tap-trung-thao-go-kho-khan-vuong-mac-tai-cac-cum-cong-nghiep
Zalo