Tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút các dự án FDI
Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, Vĩnh Phúc đã và đang trở thành điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, thách thức, để đạt mục tiêu thu hút vốn FDI từ 800 triệu USD trở lên trong năm 2025, các sở, ngành, cơ quan đơn vị liên quan cần có giải pháp quyết liệt hơn, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo lực hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới.

Với môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, hoạt động của Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, KCN Bình Xuyên có nhiều khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Lượng
Trong quý I/2025, tỉnh đã thu hút 6 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 21,95 triệu USD; thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư cho 10 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng là 51,3 triệu USD. Tổng vốn đầu tư thu hút mới là 74,48 triệu USD, bằng 21,44% so với cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế đến hết quý I/2025, trên địa bàn tỉnh có 477 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,5 tỷ USD thuộc 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vốn thực hiện các dự án FDI trong quý I đạt 116,75 triệu USD, bằng 92,69% cùng kỳ năm 2024, lũy kế đến hết quý I/2025, tổng vốn thực hiện của các dự án FDI đạt hơn 5,1 tỷ USD, đạt 60% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án còn hiệu lực.
Trong quý, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh nộp ngân sách khoảng 6.209 tỷ đồng, bằng 116,45% so với cùng kỳ năm 2024, giải quyết việc làm cho hơn 144 nghìn lao động.
Dự kiến năm 2025, tỉnh sẽ thu hút khoảng 30 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, làm thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư cho 30 lượt dự án FDI với tổng vốn tăng thêm khoảng 300 triệu USD. Dự kiến vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 483,53 triệu USD; có từ 15 - 20 dự án đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu và nhất là việc Mỹ công bố áp mức thuế đối với hàng hóa của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam với mức 46% vào đầu tháng 4 vừa qua đã khiến môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng trở nên kém hấp dẫn hơn. Theo đó, một số nhà đầu tư sẽ xem xét lại vị trí đặt nhà máy sản xuất, dịch chuyển sang các nước có mức thuế suất thấp hơn.
Để đạt mục tiêu thu hút vốn FDI từ 800 triệu USD trở lên trong năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã yêu cầu các sở, ngành, cơ quan đơn vị liên quan cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, thủ tục hành chính nhanh, thuận lợi, tạo lực hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới.
Cụ thể, đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình, nhất là các dự án lớn, công trình trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá tác động và xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành cắt giảm thủ tục hành chính và “giấy phép con”; rà soát các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh, nhất là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Đề nghị Chính phủ thúc đẩy đàm phán nhanh chóng và mạnh mẽ với Mỹ để tìm ra giải pháp có lợi cho cả hai nước; giảm tối đa mức thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng cho Việt Nam; xem xét các chính sách thuế đối ứng theo hướng công bằng và hợp lý, đồng thời có lộ trình giảm thuế hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp của Vĩnh Phúc có thời gian chuẩn bị và thích ứng.
Đề nghị Chính phủ ban hành một số chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng như hoãn, giãn, hoặc miễn giảm thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh chóng cho các đơn hàng bị ảnh hưởng hoặc xem xét hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp thuế đối ứng như các gói vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho vay xuất khẩu đối với các doanh nghiệp có xuất khẩu sang thị trường mới, các khoản vay được bảo lãnh bởi Nhà nước, hỗ trợ về giá, phí...
Kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư để bảo đảm hệ thống này vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng, khai thác thông tin trên hệ thống, giảm tải công tác báo cáo cho các địa phương và doanh nghiệp; hướng dẫn các địa phương xây dựng suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng tại địa phương để làm căn cứ xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.