Tập trung tái đàn vật nuôi sau tết

Nhằm ổn định hoạt động chăn nuôi và chủ động nguồn cung thực phẩm cho thị trường, ngành Thú y, các địa phương đang tập trung hướng dẫn, vận động người chăn nuôi tái đàn gia súc, gia cầm, kết hợp với công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau tết.

Người chăn nuôi tập trung tái đàn và phòng dịch cho vật nuôi. Ảnh: THỦY TIÊN

Người chăn nuôi tập trung tái đàn và phòng dịch cho vật nuôi. Ảnh: THỦY TIÊN

Chun b la nuôi mi

Trong đợt tết Nguyên đán vừa qua, gia đình bà Trần Thị Thuận ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) đã xuất bán liên tục 2 lứa heo thịt hơn 30 con cùng 100 con gà thả chuồng. Hiện nay, gia đình bà vẫn còn một lứa heo gối vụ 20 con đang được chăm sóc để chuẩn bị đưa ra thị trường.

Bà Thuận cho biết: Gia đình có đất rộng, đầu tư xây nhiều chuồng nên tôi luôn nuôi heo gối vụ, không lúc nào bị đứt lứa. Lứa heo thịt đang nuôi trọng lượng đạt khoảng 50kg/con, hiện tôi vệ sinh các ô chuồng còn lại, khử trùng toàn bộ dụng cụ và khu vực chuồng nuôi chuẩn bị vào thêm lứa giống mới để kịp xuất bán vào dịp lễ 30/4 tới.

“Ngoài ra, tôi còn nuôi 70 con gà mái chuyên sản xuất trứng, sắp tới sẽ vào thêm ít gà giống để nuôi lấy thịt. Gia đình tôi nuôi gà thả vườn nên chất lượng thịt rất ngon, vì vậy chỉ bán lẻ tại nhà, chưa cần phải qua thương lái”, bà Thuận nói thêm.

Những ngày qua, người nuôi heo ở các vùng nông thôn tập trung vệ sinh, phơi phóng chuồng trại chuẩn bị cho lứa sản xuất mới. Anh Nguyễn Thanh Tùng ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) cho hay: Từ trước tết đến nay giá heo hơi rất tốt, dao động trong khoảng 62.000-67.000 đồng/kg, nên người nuôi lãi khá. Vì vậy, sau khi xuất bán hết lứa heo trong dịp tết, gia đình tôi đã sớm đặt cọc mua heo giống. Hiện tại mọi điều kiện đã chuẩn bị sẵn sàng để thả lứa mới. Năm nay, gia đình dự tính xây thêm chuồng nuôi, phát triển đàn heo.

Nhu cầu tái đàn của người dân tăng nên giá heo giống cũng khá cao. Heo giống có trọng lượng từ 30kg/con được bán với giá 75.000 đồng/kg, heo có trọng lượng thấp hơn có giá 77.000 đồng/kg, đối với loại heo giống xách tay (khoảng 10-11kg/con) được các trại bán 1,3 triệu đồng/con.

Tương tự, các hộ nuôi bò cũng bắt đầu cho lứa nuôi mới. Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, nông dân thường chọn cách nuôi giáp năm để mau tuần hoàn vốn. Với cách nuôi này, bò đến kỳ xuất chuồng thường chỉ đạt trọng lượng thịt từ 100-120kg (do thương lái tự đánh giá bằng mắt thường với kinh nghiệm riêng - PV). Tùy vào giá bán mỗi thời điểm, trừ lại khoản tiền giống, người nuôi sẽ dư ra khoảng 10 triệu đồng, có tiền để chi tiêu dịp cuối năm.

Theo bà Nguyễn Thị Kỷ, một người nuôi bò ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), trước tết bà bán 3 con bò thịt được hơn 70 triệu đồng, bây giờ bà bắt lại 3 con bê giống hơn 40 triệu đồng, tiếp tục nuôi cho mùa tết năm sau.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thống kê vào thời điểm cuối năm 2024, đàn trâu, bò toàn tỉnh có khoảng 162.600 con, đàn heo khoảng 148.400 con, đàn gia cầm các loại khoảng 4,6 triệu con. Dịp tết Ất Tỵ vừa qua, một lượng lớn gia súc, gia cầm được xuất bán để cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng, nên tổng đàn gia súc, gia cầm đã giảm mạnh. Hiện nông dân đã bắt đầu khôi phục đàn để ổn định thị trường.

Phòng nga dch bnh

Sau tết thường là thời gian dịch bệnh dễ bùng phát ở đàn vật nuôi, nhất là các loại bệnh nguy hiểm như tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Vì vậy khi tái đàn, người chăn nuôi cần cẩn trọng, đặc biệt chú ý công tác phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh. Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn đạt hiệu quả cao, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, các cấp chính quyền địa phương đã có văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2025.

Theo bà Trần Thị Thuận, kinh tế gia đình bà dựa hoàn toàn vào việc chăn nuôi, nên việc bảo toàn đàn luôn được đề cao. Bà luôn chọn mua con giống ở các trại giống uy tín, gia súc và gia cầm được tiêm đầy đủ vắc xin theo định kỳ, việc vệ sinh, dọn rửa chuồng trại được thực hiện thường xuyên, phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi hằng tuần.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm cho biết: Thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn là điều kiện để các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát. Do đó, cùng với việc tái đàn, phát triển chăn nuôi, bà con phải chủ động, tích cực theo dõi và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được hướng dẫn, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Các địa phương cần chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra dịch, khu vực có nguy cơ cao; đồng thời tăng cường tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tác hại của dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh… để nâng cao ý thức của người dân.

Thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn là điều kiện để các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát. Do đó, cùng với việc tái đàn, phát triển chăn nuôi, bà con phải chủ động, tích cực theo dõi và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh được hướng dẫn, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/325734/tap-trung-tai-dan-vat-nuoi-sau-tet.html
Zalo