Tập trung tái đàn và phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi
Sau Tết Nguyên đán, người chăn nuôi tỉnh Phú Yên tập trung tái đàn gia súc, gia cầm để đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường năm 2025.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ngành thú y của tỉnh cũng chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Toàn tỉnh Phú Yên hiện có 113 trang trại chăn nuôi; gồm 11 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 37 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 65 trang trại quy mô nhỏ. Có 3 trang trại chăn nuôi đã thực hiện thủ tục công bố hợp chuẩn hợp quy theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên, tổng giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 3.100 tỷ đồng. Việc mở rộng đầu tư chăn nuôi lợn, bò, gà… đã giúp cho nhiều hộ dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm dịch bệnh dễ bùng phát trên đàn vật nuôi; nhất là các loại bệnh nguy hiểm như tụ huyết trùng, lở mồm long móng.
Vì vậy, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã khuyến cáo người dân khi tái đàn cần chú trọng trong việc phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh. Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn đạt hiệu quả cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có văn bản chỉ đạo trong việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Các địa phương cũng chuẩn bị đầy đủ vaccine, hóa chất phục vụ việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2025.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên Nguyễn Văn Lâm cho biết, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn là điều kiện để các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát. Do đó, cùng với việc tái đàn, người dân cần phải chủ động theo dõi và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học. Các địa phương trong tỉnh chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm; nhất là tại các khu vực đã từng có dịch, khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường việc tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi để nâng cao ý thức của người dân.
* UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản số 1485/UBND-VP về việc triển khai các công tác phòng chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các nhiệm vụ và giải pháp kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ phòng chống bệnh dại ở động vật năm 2025; trong đó, phối hợp thường xuyên cùng cơ quan y tế trong việc quản lý, giám sát tình hình dịch tễ bệnh dại ở các địa phương để sớm phát hiện và xử lý kịp thời. Tất cả những trường hợp nghi ngờ măc bệnh dại trên động vật phải được lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm thú y có thẩm quyền để xét nghiệm bệnh dại. Đồng thời, khẩn trương rà soát, chuẩn bị sẵn sàng vaccnie, vật tư, hóa chất phòng chống dịch và hướng dẫn các địa phương triển khai ngay công tác phòng chống dịch khẩn cấp khi cần thiết.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về các hộ nuôi chó, số chó nuôi, tiêm phòng vaccine bệnh dại tại tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xã và tình hình bệnh dại; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vaccnie và phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn; chỉ đạo UBND cấp xã khẩn trương thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả các đội bắt chó thả rông trên địa bàn quản lý theo quy định….
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 3 ổ dịch dại động vật tại thôn Trung Sơn, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức và xã Tam An, huyện Long Đất. Tỉnh cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bị mèo cào và chó cắn tại thành phố Bà Rịa và huyện Long Điền (nay là huyện Long Đất). Trước thực trạng đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó, chú trọng tổ chức tiêm phòng khống chế bệnh dại trên động vật; thực hiện tiêm phòng khẩn cấp vaccine Dại cho toàn bộ đàn chó, mèo trong diện phải tiêm trong xã có ổ dịch dại và các xã tiếp giáp với xã có ổ dịch, yêu cầu theo dõi trong vòng 14 ngày. Đồng thời, phối hợp với các các cơ quan Thú y, y tế địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức thu thập thông tin, theo dõi các trường hợp chó mèo nghi mắc bệnh dại cắn người; tuyên tuyền, vận động người dân thực hiện điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.