Tập trung rà soát, hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) để trình Quốc hội vào tháng 10
Sáng 6/9, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Cùng tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Điện lực (sửa đổi) là 1 trong 12 dự án Luật sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới đây.
Việc sửa đổi Luật đặt trong bối cảnh năng lượng nói chung và điện nói riêng là "bánh mì" của nền kinh tế, có vai trò đặc biệt quan trọng và những đặc tính riêng biệt, không giống sản phẩm công nghiệp nào khác. Do đó, điện luôn phải đi trước một bước, và những quy định chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực điện lực cũng có nhiều điểm đặc biệt so với rất nhiều các Luật chuyên ngành khác.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030 phải tăng gấp 2 lần công suất toàn hệ thống và đến năm 2050 phải tăng gấp 5 lần công suất toàn hệ thống so với thời điểm hiện tại. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi Luật chuyên ngành phải hoàn thiện, đáp ứng được các yêu cầu mới để hệ thống điện có thể phát triển rất nhanh về quy mô và bảo đảm được cơ cấu nguồn điện theo định hướng trong Quy hoạch.
Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, vì thế phải tập trung phát triển rất mạnh các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch trong khi pháp luật hiện hành chưa đầy đủ để điều chỉnh những vấn đề liên quan.
Ngoài ra, từ năm 2004 đến nay, thực tiễn đã chỉ ra rất nhiều bất cập, mâu thuẫn và chồng chéo giữa Luật Điện lực với các luật khác và rất nhiều vấn đề phát sinh, nhưng Luật Điện lực chưa có điều kiện sửa đổi, bổ sung, cập nhật để điều chỉnh.
Vì vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, ban hành trong một kỳ họp, góp phần giải quyết căn bản các vấn đề thực tiễn đã chỉ ra.
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) có 9 chương, 121 điều, trong đó, kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều, bỏ 4 điều, gộp 4 điều vào các điều khác, bổ sung 59 điều, giữ nguyên 1 điều so với Luật hiện hành.
Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân để có cái nhìn đa chiều và đảm bảo Luật Điện lực (sửa đổi) sau khi ban hành sẽ thực sự đi vào đời sống.
Mới đây nhất, chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp cho ý kiến về dự án Luật. Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo, đồng thời đề nghị rà soát, bổ sung và hoàn thiện dự thảo trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp để tập trung rà soát, hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.
Theo đó, cuộc họp sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện một số nội dung như sau:
(i) Các nội dung đã chín, đã rõ và được kiểm nghiệm trong thực tiễn cần được quy định tại dự thảo Luật như tình hình thực hiện các nhà máy điện khí do các chủ đầu tư đều gặp khó khăn trong thu xếp vốn vay; tình hình thực hiện các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi hiện nay còn vướng ở các pháp luật khác.
(ii) Những nội dung mới, cần tiếp tục rà soát và có tính linh hoạt, biến động theo từng xu thế và điều kiện phát triển, giao Chính phủ quy định tại dự thảo Luật.
(iii) Phân cấp, phân quyền rõ ràng, tăng cường việc kiểm tra giám sát, Chính phủ chỉ kiểm tra quy hoạch và kiểm soát đầu ra.
(iv) Các chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết, nếu không sẽ thu hồi giấy phép. Việc cấp phép đầu tư đều phải có quy định thời hạn.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 15/9/2024 phải hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thống nhất để trình ra Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV vào tháng 10 tới đây.