Tập trung phòng, trừ sinh vật gây hại lúa
Những ngày qua, thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại lúa, nhất là trên các trà lúa đông xuân ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dự báo từ ngày 28/4 đến ngày 4/5, nhiều đối tượng sinh vật gây hại tiếp tục phát sinh và có khả năng gia tăng diện tích nhiễm. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chủ động các biện pháp phòng, trừ nhằm tránh lây lan trên diện rộng.

Phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa.
So với cùng kỳ, thời điểm này diện tích lúa nhiễm sâu, bệnh đang có chiều hướng gia tăng.
Gia tăng diện tích nhiễm sinh vật gây hại
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá của cả nước khoảng 9.200ha (tăng 2.168 ha so với tuần trước và tăng 4.412ha so với cùng kỳ), trong đó, diện tích nhiễm nặng khoảng 410ha, phân bố chủ yếu tại các địa phương như: Điện Biên, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia lai, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang,…
Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, diện tích nhiễm là 329ha, diện tích đã phòng trừ trong kỳ 9.493ha; phân bố chủ yếu tại tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, thành phố Huế, Gia Lai, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bến Tre…
Đồng thời, chuột tiếp tục gây hại nặng, diện tích nhiễm trong tuần qua lên tới 13.776ha (tăng 632ha so với kỳ trước, tăng 3.606ha so với cùng kỳ). Trong đó, diện tích nhiễm nặng 550ha; diện tích đã được phòng trừ trong kỳ 3.809ha, phân bố chủ yếu tại các địa phương: Điện Biên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Nam, Gia Lai, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Tiền Giang,…
Bên cạnh đó, diện tích nhiễm bệnh đen lép hạt cũng có xu thế gia tăng, lên mức 4.844ha (tăng 488ha so với cùng kỳ), trong đó nhiễm nặng 101ha, phân bố chủ yếu tại các địa phương: Điện Biên, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Long An, Đồng Nai…
Diện tích rầy hại lúa, sâu đục thân hai chấm, bệnh bạc lá, sâu năn, ốc bươu vàng cũng tiếp tục phát sinh, lên tới 2.847ha, phân bố chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Bình, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Đắk Lắk, Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bình Dương.
Diện tích nhiễm bệnh bạc lá 1.869ha (tăng 555ha so với cùng kỳ). Đối với sâu năn (muỗi hành), diện tích nhiễm 350ha (tăng 350ha so với cùng kỳ), phân bố chủ yếu tại tỉnh Đồng Tháp.
Giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo, trong tuần này bệnh đạo ôn lá tiếp tục gây hại trên trà chính vụ-muộn, giống nhiễm trong điều kiện thời tiết thuận lợi, nhất là trên những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh chưa được phòng trừ hoặc phòng trừ nhưng hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục phát sinh gây hại trên diện tích lúa sớm, các giống nhiễm, chủ yếu trên những diện tích lúa đã bị nhiễm đạo ôn lá hại nặng. Sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa hai tiếp tục vũ hóa rộ. Trứng nở, sâu non tiếp tục gây hại lúa giai đoạn làm đòng...
Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên lúa trỗ bông-phơi màu-chín sữa. Trong đó, hại nặng trên các giống nhiễm, trên các chân ruộng bị nhiễm đạo ôn lá nặng nếu không tổ chức tốt công tác phun thuốc phòng bệnh.
Bệnh khô vằn phát sinh gây hại tăng nhanh trên lúa làm đòng-trỗ bông, hại nặng những chân ruộng gieo cấy dày, bón phân không cân đối. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn có khả năng phát sinh gây hại tăng trên lúa đứng cái-làm đòng, trỗ bông tại Nghệ An, Thanh Hóa, hại nặng trên các chân ruộng bón phân không cân đối thừa đạm. Bệnh lem lép hạt tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên lúa trỗ bông-phơi màu tại các tỉnh Quảng Trị, thành phố Huế, trên lúa trà sớm tại Nghệ An, hại nặng tại những vùng thường xuyên bị bệnh gây hại nặng trong những năm trước...
Khu vực các tỉnh Tây Nguyên, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bệnh lem lép thối hạt gây hại rải rác trên lúa giai đoạn đòng trổ-chín. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác lúa hè thu sớm giai đoạn mạ-đẻ nhánh. Ốc bươu vàng lây lan theo nguồn nước, gây hại rải rác trên lúa hè thu sớm giai đoạn xuống giống-mạ. Chuột tiếp tục gây hại rải rác trên lúa đông xuân giai đoạn trổ-chín, đặc biệt hại giống gieo lúa hè thu sớm.
Tại các tỉnh Nam Bộ, bệnh đạo ôn, bạc lá vi khuẩn, bệnh đen lép hạt có khả năng tiếp tục phát triển gây hại trên các trà lúa đang trong giai đoạn trỗ chín. Ở các ruộng trồng giống nhiễm, gieo sạ dày, bón thừa phân đạm trong giai đoạn đón đòng cần chủ động phun ngừa bệnh để bảo vệ năng suất, phẩm chất lúa.
Ngoài ra, cần chú ý chuột sẽ gây hại trên lúa giai đoạn đòng-trỗ chín; ốc bươu vàng gây hại trên lúa hè thu mới xuống giống, nhất là ở những chân ruộng thấp, trũng, khó thoát nước.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sinh vật hại gây ra, các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến tình hình sinh vật gây hại chính trong thời kỳ xung yếu trên các cây trồng chủ lực ở địa phương để chủ động các biện pháp phòng chống kịp thời nhằm bảo vệ tốt sản xuất vụ đông xuân 2024-2025.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương khuyến cáo, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sinh vật hại gây ra, các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến tình hình sinh vật gây hại chính trong thời kỳ xung yếu trên các cây trồng chủ lực ở địa phương để chủ động các biện pháp phòng chống kịp thời nhằm bảo vệ tốt sản xuất vụ đông xuân 2024-2025.
Các tỉnh trồng lúa khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, theo dõi chặt các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa đông xuân 2024-2025 như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu-rầy lưng trắng, sâu đục thân hai chấm, bệnh đạo ôn, chuột.
Lưu ý, giám sát chặt chẽ diễn biến phát sinh và gây hại của bệnh đạo ôn, nhất là trong điều kiện thời tiết thuận lợi và trên các giống nhiễm; tiến hành phòng chống kịp thời tại những khu vực có tỷ lệ bệnh hại cao để hạn chế lây lan.
Các tỉnh trồng lúa khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sinh vật gây hại chính trên lúa đông xuân 2024-2025 và tiến độ xuống giống lúa hè thu 2025 trên đồng để chủ động các biện pháp phòng, chống và tránh để lây lan trên diện rộng.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân diệt chuột và thu lượm ốc bươu vàng liên tục bằng nhiều biện pháp.