Tập trung nguồn lực xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Để chuẩn bị nội dung cho Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 26/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 26 để thẩm tra các tờ trình của Chính phủ về đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 11 tỉnh.

Thừa Thiên Huế là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây, một trung tâm lớn của cả nước về lịch sử, văn hóa; cực tăng trưởng của vùng động lực phát triển miền Trung. Thừa Thiên Huế cũng là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 08 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 06 di sản riêng và 2 di sản chung với các địa phương khác. Tỉnh đã tập trung đầu tư để phát triển đô thị hiện đại, văn minh với nhiều công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội.

Các ý kiến đánh giá cao sự tích cực và quyết tâm của Chính phủ cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc nghiên cứu xây dựng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đại biểu cũng cho rằng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cần quan tâm giải quyết việc làm bền vững cho nhóm nông dân không có đất sản xuất, lao động phi chính thức.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm đến giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã xem xét Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Bắc Giang, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tap-trung-nguon-luc-xay-dung-tinh-thua-thien-hue-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-237442.htm
Zalo