Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai

UBND tỉnh đã trích nguồn ngân sách hơn 23 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3. Các địa phương huy động 100% lực lượng xung kích ở cơ sở hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống sau mưa lũ.

UBND tỉnh đã trích nguồn ngân sách hơn 23 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3. Các địa phương huy động 100% lực lượng xung kích ở cơ sở hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống sau mưa lũ.

Lực lượng chức năng hỗ trợ sửa mái nhà cho gia đình bị tốc mái ở xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình.

Lực lượng chức năng hỗ trợ sửa mái nhà cho gia đình bị tốc mái ở xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình.

Các lực lượng xung kích hỗ trợ dọn dẹp bùn đất tại thị trấn Lương Sơn.

Các lực lượng xung kích hỗ trợ dọn dẹp bùn đất tại thị trấn Lương Sơn.

Ổn định cuộc sống người dân

Ảnh hưởng của mưa to và dông lốc do hoàn lưu bão số 3, ngôi nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, xóm Thăng, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) bị tốc mái hoàn toàn. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã hỗ trợ gia đình di dời toàn bộ đồ đạc để đảm bảo an toàn. Sau khi bão tan, từ nguồn hỗ trợ của Công an tỉnh, lực lượng xung kích xã Hòa Bình đã giúp gia đình chị Hiền lợp lại mái nhà và trở về sinh hoạt bình thường.

Là địa bàn vùng cao, xã Độc Lập (TP Hòa Bình) bị thiệt hại khá nặng nề do hoàn lưu bão số 3. Tuyến đường chính lên trung tâm xã nhiều điểm bị sạt lở. Đặc biệt, sạt lở taluy dương với khối lượng đất đá khoảng hơn 3.000 m3 sạt vào trụ sở UBND xã và nhà văn hóa xã làm nước và bùn ngấm vào các phòng làm việc. Ngay khi sự cố xảy ra, UBND xã huy động cán bộ, công chức di chuyển toàn bộ tài sản, thiết bị, tài liệu đến nơi an toàn và khẩn trương dọn dẹp phòng làm việc. Đến nay đã có thể hoạt động bình thường.

"Trở lại hoạt động bình thường” có lẽ là trạng thái chung của người dân trên địa bàn TP Hòa Bình đến thời điểm hiện nay. Triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, song song với rà soát, đánh giá và di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở, TP Hòa Bình đã khẩn trương huy động các lực lượng tại cơ sở hỗ trợ bà con dọn dẹp nhà, lợp lại mái. Nhờ vậy, đến nay, 185 hộ trên địa bàn đã trở về nơi ở cũ. Các trường học, trạm y tế, cơ sở sản xuất cũng được phục hồi hoàn toàn sau bão.

Hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, tái thiết sản xuất là nhiệm vụ cấp bách được UBND các huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đồng chí Hoàng Đình Tráng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để triển khai khắc phục thiệt hại do mưa lũ, các địa phương đã huy động gần 9 nghìn người tham gia lực lượng xung kích tại cơ sở và gần 6 nghìn chiến sỹ lực lượng công an, quân đội ứng trực hỗ trợ sơ tán, tu sửa nhà cửa, dọn dẹp cây gẫy đổ để đảm bảo cuộc sống cho người dân sau lũ bão. UBND tỉnh trích từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2024 kinh phí 23 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã trích trên 500 triệu đồng từ nguồn cứu trợ và 11,7 tấn gạo để hỗ trợ các nạn nhân tử vong và bị thương, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Tiếp tục hỗ trợ tái định cư cho các hộ bị sạt lở

Sau hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to. Do mưa lũ kéo dài, đất ngậm nước đã lâu gây tình trạng bão hòa nước. Hiện tượng sạt lở, sụt lún đất xảy ra liên tiếp ảnh hưởng đến nhà ở của nhiều hộ dân. Trong đó, tại địa phận xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) xuất hiện vết nứt tại đồi Ao Ếch. Các vết nứt và sụt lún dạng bậc thang, tại điểm lớn nhất có độ cao khoảng 200m và xuất hiện cung trượt dài khoảng 500m. Chính quyền địa phương đã di dời 30 hộ với 126 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện tượng sụt lún tại khu vực xóm Rằng ngoài nguy cơ ảnh hưởng đến các hộ dân còn có nguy cơ ảnh hưởng 2 điểm trường ở xóm Rằng.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Khắc phục hậu quả do hoàn lưu bão số 3 gây ra, UBND huyện đã huy động máy móc, thiết bị hót bùn đất để thông tuyến tạm thời. Thuê máy xúc, ô tô hỗ trợ các hộ hót đất sạt lở vào nhà, khắc phục mái nhà bị hư hỏng. Đến nay, khoảng 470 hộ trong huyện đã quay trở lại chỗ ở và sinh hoạt, lao động sản xuất bình thường. Để ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân, huyện khẩn trương phối hợp với Sở NN&PTNT tiến hành khảo sát lựa chọn địa điểm để xây dựng các khu tái định cư cho các hộ bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở.

Cùng thời điểm đó, tại xóm Rài, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn xảy ra hiện tượng sụt lún gây hư hỏng một số nhà cửa. Hiện tượng sụt lún này nguy cơ ảnh hưởng đến 111 hộ với 539 nhân khẩu, trong đó phạm vi khu vực ảnh hưởng nghiên trọng đã phải di chuyển khẩn cấp 60 hộ với 278 nhân khẩu để đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân. Đồng chí Bùi Văn Lịnh, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Hiện tại, cuộc sống của các hộ dân phải di dời cơ bản tạm ổn. Tuy nhiên, qua thực tế xem xét, các hộ không thể quay trở về nơi ở cũ. Chính vì vậy, huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tiến hành bố trí tái định cư để các hộ có thể sinh sống lâu dài.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 540 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu cần sắp xếp ổn định dân cư do sạt lở sau hoàn lưu bão số 3. UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, đặc biệt các vị trí sạt lở mới xuất hiện, các vị trí sạt lở tiếp tục mở rộng.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/193781/tap-trung-nguon-luc-khac-phuc-hau-qua-thien-tai.htm
Zalo