Tập trung khai thác rừng, sẵn sàng cho vụ mới

Tranh thủ thời tiết đang rất thuận lợi, các chủ rừng đang tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện khai thác hết diện tích rừng đến chu kỳ. Mục tiêu đặt ra là hết năm 2024, cán được đích khai thác 1,2 triệu m3 gỗ, đồng thời giải phóng đất sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới.

Tập trung khai thác hết diện tích

Cánh rừng keo thuộc Đội sản xuất Đèo Mon, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương (Sơn Dương) những ngày này rộn vang tiếng cưa máy, tiếng nói, cười của công nhân khai thác gỗ.

Anh Lý Văn Đông, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật kiêm Đội trưởng đội sản xuất Đèo Mon phấn khởi cho biết: Những tháng đầu năm mưa nhiều đội không thể khai thác nhưng đến thời điểm này nắng ráo rất thuận lợi để khai thác. Chỉ riêng trong nửa cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11, đội đã khai thác được trên 16 ha gần gấp đôi so với 9 tháng trước đó. Hiện tại đã có 26 ha rừng đã được thiết kế của đội được khai thác, tương đương với 2.500 m3. Gỗ được khai thác đến đâu vận chuyển về nhà máy, xưởng sản xuất của bạn hàng đến đó. Theo anh Đông, nhiều năm trở lại đây thay vì tự khai thác, đội thiết kế tính toán dự ước sản lượng thực hiện chào bán cây đứng, doanh nghiệp thu mua chủ động máy móc, phương tiện khai thác, vận chuyển nên tiến độ khai thác rừng rất nhanh. Mục tiêu khai thác 30 ha chắc chắn sẽ về đích sớm - anh Đông khẳng định.

Nhiều diện tích rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương (Sơn Dương) đã được khai thác để giải phóng đất chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng.

Nhiều diện tích rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương (Sơn Dương) đã được khai thác để giải phóng đất chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng.

Không riêng đội sản xuất Đèo Mon, tại các đội Đông Hữu, Bình Yên, Đèo Khế, đơn vị thu mua cũng tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ khai thác diện tích rừng đến tuổi khai thác đã được thiết kế.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương (Sơn Dương) tự tin khẳng định: Tính đến giữa tháng 11, công ty đã khai thác được 270 ha, tương đương với 25.628 m3, đạt 91,53% kế hoạch năm. Mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ khai thác khoảng 300 ha để giải phóng đất trồng rừng vụ mới.

Công ty lâm nghiệp Yên Sơn cũng đang đẩy nhanh tiến độ khai thác rừng đến chu kỳ theo đúng kế hoạch đặt ra. Ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết: Kế hoạch năm 2024, công ty khai thác 180 ha, tương đương với 18.500 m3. Đến tháng 11, công ty mới khai thác được 173 ha, sản lượng gỗ thu về 19.400 m3, đạt 105% kế hoạch. Theo ông Quảng diện tích rừng khai thác năm nay đều là những lô rừng gỗ lớn nên năng suất, chất lượng rừng rất tốt, có những lô rừng đạt trên 180 m3/ha.

Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng khôi phục trở lại, các doanh nghiệp chế biến gỗ lớn như Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã mở rộng sản lượng thu mua. Giá gỗ nguyên liệu cũng tương đối ổn định khoảng từ 850 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng/m3 tùy theo từng kích cỡ. Do đó, các doanh nghiệp, hộ gia đình có diện tích rừng đến chu kỳ khai thác nắm bắt thông tin, tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ khai thác nhằm đáp ứng tốt nhu cầu nguyên liệu của bạn hàng.

Giải phóng đất, chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng năm 2025

Đồng chí Lý Xuân Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Đến đầu tháng 11, đã có 8.754,69 ha rừng được khai thác, sản lượng ước đạt trên 1 triệu m3, đạt 83,3% kế hoạch. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng gần 1.000 ha rừng đến tuổi sẽ được khai thác. Như vậy sẽ có khoảng 10.000 ha đất rừng sẽ được giải phóng để tái trồng rừng trở lại trong mùa trồng rừng 2025 sắp tới.

Tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn, toàn bộ diện tích rừng được khai thác đến đâu, Công ty yêu cầu các đội thu dọn, vệ sinh rừng đến đó để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho công tác trồng rừng năm 2025. Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, hạn chế sâu, bệnh hại những diện tích đất đã trồng keo 2 chu kỳ công ty sẽ không trồng keo trở lại mà thay thế bằng loài cây khác như bồ đề, mỡ, bạch đàn để ngăn chặn sâu, bệnh hại tồn lưu trong đất, tàn dư rừng lan truyền gây hại cho cây non.

Các đội sản xuất của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương và nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn Sơn Dương đi đôi với khai thác là tiến hành thu dọn thực bì cho rừng. Ông Hoàng Hải Nguyên, xã Thượng Ấm khẳng định: Rừng là vàng, nên người trồng rừng như ông không bao giờ chậm trễ, khai thác đến đâu xử lý thực bì đến đó, khi đến mùa trồng rừng là cuốc hố, xuống giống cây, nhanh chóng hồi sinh lại rừng.

Theo đồng chí Lý Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, thời điểm những tháng cuối năm, thời tiết khô hanh rất thuận lợi cho việc khai thác rừng song cũng có những bất lợi cho công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng nếu không thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình xử lý thực bì sau khai thác. Trên thực tế đã có những vụ xử lý thực bì sau khai thác gây cháy rừng thiệt hại về tài sản, con người. Do đó, Chi cục yêu cầu, các Hạt Kiểm lâm phối hợp với địa phương tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; phát huy trách nhiệm kiểm tra của chính quyền địa phương, chủ rừng, đơn vị hoạt động ven rừng trong đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc xử lý thực bì trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nếu có cháy xảy ra, không để cháy lan, cháy lớn nhằm hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tap-trung-khai-thac-rung-san-sang-cho-vu-moi-201745.html
Zalo