Tập trung hoàn thiện thể chế, tạo động lực phát triển kinh tế
Ngày 18/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ 2 trong tháng 4/2025, tập trung thảo luận và cho ý kiến về 5 dự án luật quan trọng chuẩn bị trình Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Phiên họp thảo luận, cho ý kiến về 5 dự án luật gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; (2) Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); (3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; (4) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; (5) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển mới cho từng địa phương, khu vực; tăng cường phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính cho các địa phương; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch; hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiệu quả, an toàn, phù hợp với thực tiễn…
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quy hoạch phải thuận thiên, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, của vùng, của địa phương, phát huy được sức mạnh, cộng hưởng được nguồn lực…
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không phát sinh thêm thủ tục mới, phải cắt giảm ít nhất 30% thủ tục và thời gian, chi phí tuân thủ; đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tạo cơ hội, điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp chính đáng của họ, giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, giải phóng sức sản xuất, phát huy mọi nguồn lực của đất nước…
Về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng cần rà soát, thiết kế chính sách mang tính đổi mới mạnh mẽ, cách mạng, đột phá hơn nữa; nhấn mạnh phải nuôi dưỡng nguồn thu; giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; quản lý, kiểm soát nợ công, bội chi ngân sách bảo đảm hiệu quả, khả năng trả nợ; tăng ngân sách dự phòng…
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi một số nội dung liên quan các luật trên nhằm phù hợp với việc sắp xếp chính quyền địa 2 cấp; xử lý các vướng mắc và các vấn đề cấp bách phục vụ thúc đẩy tăng trưởng…

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật theo đúng quy định để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa tất cả chủ trương, đường lối của Đảng, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, đặc biệt là cắt giảm các thủ tục rườm rà theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết của Chính phủ, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa và bảo đảm an toàn, an ninh mạng để giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật cần chú trọng xây dựng 1 luật để sửa nhiều luật; làm rõ những nội dung lược bỏ, những nội dung sửa đổi, hoàn thiện, những nội dung bổ sung, những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, những nội dung phân cấp, phân quyền, những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo; đồng thời đảm bảo 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền" trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, tiếp thu, hoàn thiện, trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề phát sinh.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động rà soát, chuẩn bị các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết cho Chương trình lập pháp năm 2026; tổ chức tổng kết việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI.