Tập trung giám sát công tác chuẩn bị bầu cử, bảo đảm minh bạch, dân chủ, công khai
Cần giám sát việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, bảo đảm minh bạch, dân chủ, công khai. Chú ý đánh giá việc thực hiện Đề án đổi mới bầu cử, bảo đảm quyền lợi của cử tri, tính công bằng trong bầu cử. Đây là đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trọng tâm năm 2025 là giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp
Trọng tâm năm 2025 là phải giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2026 - 2031. Khẳng định điều này khi cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, dự kiến Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đây là vấn đề "chúng ta phải dồn sức tập trung".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Theo đó, cần giám sát việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2026 - 2031, bảo đảm minh bạch, dân chủ, công khai. Chú ý đánh giá việc thực hiện Đề án đổi mới bầu cử, bảo đảm quyền lợi của cử tri, tính công bằng trong bầu cử. Khi tiến hành giám sát công tác chuẩn bị và thực hiện bầu cử, Chủ tịch Quốc hội đề nghị “không lập đoàn đi rình rang", mà cần có "nhiều cách để thực hiện giám sát”.
Cũng liên quan đến hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải làm sao khắc phục tình trạng báo cáo chậm của các cơ quan chịu sự giám sát, đồng thời chỉ rõ, hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật vẫn "chủ yếu dựa vào báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành". Do đó, tới đây, chúng ta cần có nhiều kênh thông tin hơn để nắm bắt, nhất là khi đã thành lập Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, phải giám sát cho trúng, đúng và phải có kết quả, hiệu quả, chỉ rõ cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thấy "điểm mạnh, điểm yếu để khắc phục, sửa chữa”. Và, “muốn giám sát tốt thì các cơ quan trong Quốc hội phải tiên phong, gương mẫu, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải tiếp tục nâng tầm phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; theo đó, giải trình phải "thực chất" và khi giải trình một vấn đề gì đó phải có tác dụng “đánh động” được xã hội.
Phải có chuyên đề giám sát về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương
Nhấn mạnh chúng ta đang có điều kiện tốt để nâng tầm công tác giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, chúng ta có Ủy ban Dân nguyện và Giám sát - một Ủy ban chuyên trách về giám sát, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội những vấn đề lớn về công tác giám sát. Đáng lưu ý, chúng ta cũng đang tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại Kỳ họp thứ Mười tới đây.
Cùng với đó, theo chủ trương của Trung ương, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh ở nước ta sau sắp xếp sẽ giảm từ 63 tỉnh thành xuống còn 34 tỉnh thành sau khi thực hiện sáp nhập. Đồng nghĩa, tới đây chúng ta không còn 63 Đoàn đại biểu Quốc hội mà sẽ chỉ còn 34 đoàn với quy mô mỗi đoàn dự kiến sẽ lớn hơn, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng tăng, qua đó có điều kiện làm tốt hơn công tác giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, năm 2026, các Đoàn đại biểu Quốc hội cần có chuyên đề giám sát về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương. Nội dung giám sát tập trung làm rõ, công tác tổ chức bộ máy như thế nào, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ra sao, có gần dân, sát dân hay không, có gì vướng mắc hay không, việc sắp xếp trụ sở dôi dư, bảo đảm quyền lợi của cán bộ… ra sao. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí, năm 2026, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tiến hành giám sát chuyên đề, nhưng Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội "phải có giám sát chuyên đề và phải thiết thực".
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo, năm 2025 cần hành giám sát việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2026 - 2031. Đồng thời, tập trung giám sát việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước; giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu, cần nâng cao chất lượng chất vấn và các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát là: năm 2026, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giám sát chuyên đề mà giao cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát chuyên đề, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm.
Nêu rõ, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nội dung nào không thuộc thẩm quyền của Quốc hội không quy định trong luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, với sự đổi mới này, số lượng thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành luật sẽ rất lớn. Điều này đòi hỏi, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải giám sát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, hoạt động giám sát của Quốc hội có vai trò ngày càng quan trọng hơn, đây là điều kiện để chúng ta thiết kế những quy định đổi mới toàn diện trong dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi).