Tập trung giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực nền kinh tế

Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống lãng phí chủ trì Phiên họp thứ nhất của BCĐ nhằm rà soát công việc, kiện toàn BCĐ; triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống lãng phí tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.

Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống lãng phí chủ trì Phiên họp thứ nhất của BCĐ nhằm rà soát công việc, kiện toàn BCĐ; triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống lãng phí tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.

Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình.

Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình.

Trước khi tổ chức Phiên họp thứ nhất, ngày 17/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg về việc thành lập BCĐ phòng, chống lãng phí do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng BCĐ; đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí. Đây là một trong những yếu tố giúp gia tăng nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới. Vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực nền kinh tế.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều việc phải làm do lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng, hình thức khác nhau, gây nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước. Vì thế, Chính phủ đã thành lập BCĐ phòng, chống lãng phí để giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế, tạo chuyển biến mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công tác này.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu BCĐ rà soát lại các công việc đã triển khai, đánh giá kết quả đạt được, nhận diện những khó khăn, hạn chế và phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới.

Đại diện các địa phương, bộ, ngành phát biểu nêu bật nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực: quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động, những tồn đọng kéo dài của dự án treo, quy hoạch treo… Đồng thời, kiến nghị các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí, giúp khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan giúp việc sớm tham mưu kiện toàn BCĐ phòng, chống lãng phí. Đề nghị các đồng chí thành viên BCĐ đề xuất nội dung hoạt động năm 2025 của bộ, ngành mình phụ trách để phát huy vai trò của BCĐ, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Không có giới hạn không gian, thời gian trong thực hiện phòng, chống lãng phí. Đây là yêu cầu cấp bách, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Định hướng các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Thủ trưởng các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí. Tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ về sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công... Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng kéo dài, chú trọng giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực. Từ đó góp phần giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế, hướng tới xây dựng một nền kinh tế bền vững với các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, minh bạch, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước.

Thu Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/198694/tap-trung-giai-quyet-cac-diem-nghen-gay-lang-phi-nguon-luc-nen-kinh-te.htm
Zalo