Tập trung đấu tranh với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Chiều 21/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I/2025, bàn phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, quý I/2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý 30.651 vụ việc vi phạm. Trong đó, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 6.754 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 74,51% so với cùng kỳ năm trước); 22.774 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 11,06%); 1.113 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 20,90%); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.616,7 tỷ đồng (tăng 59,45%); khởi tố hình sự 1.328 vụ, 2.046 đối tượng (tăng 21,35%). Trong tháng 4, phát hiện vụ sữa giả lớn tại Hà Nội, thuốc giả tại Thanh Hóa.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.
Tại Bắc Giang, lực lượng chức năng đấu tranh, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 532 vụ, 532 đối tượng. Đặc biệt, mới đây đã phát hiện vụ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả tại xã Tân Hưng (Lạng Giang). Hiện nay, cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Tại hội nghị, một số đại biểu đã phân tích về thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu. Thủ đoạn chính vẫn là lợi dụng địa bàn hẻo lánh để sản xuất hàng giả; đánh vào tâm lý của người dân muốn sử dụng hàng hiệu giá rẻ; giao hàng vào thời điểm đêm tối, sáng sớm… Ngoài ra, quy định pháp luật còn một số điểm chưa chặt chẽ, còn kẽ hở để các đối tượng lợi dụng.
Dự báo trong quý II, cuộc chiến thương mại giữa một số quốc gia tiếp tục căng thẳng sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.
Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng sẽ tăng cường hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả, vận chuyển hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba. Lợi dụng xu thế thương mại điện tử, mua bán qua các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh… ngày càng gia tăng, đối tượng sẽ tăng cường các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo 389; bám sát, xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác.
Giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đấu tranh với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là trách nhiệm lớn, có ý nghĩa quan trọng với người dân, đất nước. Vì vậy cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Đồng chí yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị tại hội nghị, chỉ rõ phương thức hoạt động, những nguyên nhân, hạn chế; bài học gì cần rút ra; phương hướng nhiệm vụ triển khai thời gian tới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua dù còn nhiều khó khăn, thách thức song công tác đấu tranh chống gian lận buôn lậu và hàng giả được Đảng, Nhà nước quan tâm và đạt được kết quả tích cực.
Phó Thủ tướng biểu dương các lực lượng đã tích cực tham gia, nhất là các lực lượng tuyến đầu như: Công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường…; đồng thời cũng chỉ ra một số hạn chế như: Tình trạng hàng lậu vận chuyển trái phép qua biên giới diễn biến rất phức tạp; ngay thị trường trong nước, hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán công khai; các quy định của pháp luật chưa bao hàm được hết để quản lý đầy đủ, chặt chẽ hàng hóa; công tác phối hợp chia sẻ thông tin, chia sẻ dữ liệu chưa tốt.
Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục nhận diện các thủ đoạn, từ đó có cách xử lý tốt hơn. Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng tham gia chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại.
Đồng chí giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp rà soát lại các văn bản liên quan để có chế tài, quy định xử lý cụ thể đến từng hành vi vi phạm. Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương. Ban Chỉ đạo 389 các địa phương hướng dẫn, điều phối các lực lượng tham gia vào công tác đấu tranh hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của ban chỉ đạo. Cần coi triển khai hoạt động này là sự nghiệp của toàn dân.