Tập trung các giải pháp đột phá kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh
Xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những đột phá chiến lược, trong những năm qua, tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển KT-XH.
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính
Thông tin từ UBND tỉnh Long An, thực hiện kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC, cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC, rà soát, đánh giá TTHC trên địa bàn tỉnh năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện rà soát, làm sạch dữ liệu TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh và rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh ban hành 31 quyết định công bố 296 TTHC, trong đó, ban hành mới 82 thủ tục, sửa đổi 104 thủ tục, thay thế 1 thủ tục, bãi bỏ 109 thủ tục thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của 14 cơ quan, đơn vị.
Trong thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", bộ phận "một cửa" các cấp tiếp nhận, luân chuyển TTHC bảo đảm theo các quy định của Chính phủ, trong đó niêm yết 100% TTHC tại nơi tiếp nhận TTHC.
Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhân rộng mô hình niêm yết TTHC điện tử bằng mã QR, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ truy cập, tìm kiếm, theo dõi; các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp trong giải quyết TTHC giữa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với các cơ quan chuyên môn, quy chế xin lỗi, quy chế làm việc. Từ đó, bảo đảm hiệu quả việc tiếp nhận, phối hợp xử lý, giải quyết TTHC giữa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các sở, ngành tỉnh.
Bên cạnh đó, 100% các hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại các đơn vị, địa phương được minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết theo thời gian thực và thực hiện đồng bộ TTHC từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, DN có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
Các trường hợp hồ sơ TTHC giải quyết trễ hạn, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xin lỗi người dân theo đúng quy định.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - Lưu Hiếu Trung, đến hết tháng 8/2024, Trung tâm tiếp nhận 60.330 hồ sơ với 98,43% hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Trong đó, đã giải quyết 58.378 hồ sơ, có 82,22% hồ sơ giải quyết trước hạn và 17,57% hồ sơ giải quyết đúng hạn, chỉ có 0,21% hồ sơ quá hạn. Đồng thời, từ đầu năm 2024 đến nay, các sở, ngành xin lỗi bằng văn bản 74 trường hợp có hồ sơ trễ hạn.
“Trong quá trình giải quyết TTHC, Trung tâm nhận được 5.520 lượt đánh giá của người dân, DN. Trong đó có 5.466 lượt đánh giá hài lòng, chiếm 99,02%; 43 lượt đánh giá bình thường, chiếm 0,78% và chỉ có 0,2% đánh giá không hài lòng. Đây cũng là cơ sở để Trung tâm tiếp tục nỗ lực, cố gắng hướng đến sự hài lòng của người dân, DN khi đến giải quyết TTHC tại trung tâm” - ông Lưu Hiếu Trung cho biết.
Kiến tạo môi trường đầu tư
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhiều năm qua, tỉnh được đánh giá là "điểm sáng" thu hút đầu tư của cả nước không chỉ bởi vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp TP.HCM, hạ tầng KT-XH tương đối khá hoàn thiện, quỹ đất công nghiệp dồi dào mà còn có yếu tố quan trọng là môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng thân thiện, thông thoáng, an toàn và hiệu quả.
Năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh có sự cải thiện vượt bậc, tăng cao về điểm số và thứ hạng khi đạt 70,94 điểm, xếp vị trí thứ 2 cả nước, tăng 8 bậc so với năm 2022 và dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu long. Từ kết quả PCI cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh có nhiều biến chuyển tích cực so với những năm trước đây.
Nổi bật, chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục cải thiện theo thời gian, công tác cải cách TTHC được cộng đồng DN ghi nhận, tạo thuận lợi cho DN triển khai các hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh; môi trường kinh doanh ngày càng tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tư nhân; gánh nặng về những chi phí không chính thức tiếp tục được giảm; việc kiểm soát tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu DN được quản lý chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực.
Trong số các chỉ số thành phần PCI, công tác hỗ trợ DN là một điểm nhấn, đây cũng là chỉ số tăng điểm cao nhất của tỉnh; cùng với đó, các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh được bảo đảm, tạo sự an tâm và tin tưởng cho DN khi đầu tư vào tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp, những kết quả trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư đã tạo lợi thế cạnh tranh giúp tỉnh thu hút hiệu quả nhiều dòng vốn đầu tư.
Đến hết tháng 8/2024, tỉnh tiếp nhận 1.388 dự án FDI từ khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 11,9 tỉ USD. Đối với đầu tư trong nước, trên địa bàn tỉnh có 2.254 dự án với số vốn đăng ký 491.574 tỉ đồng; 18.822 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 386.470 tỉ đồng.
Với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu UBND tỉnh trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao PCI, ngay sau khi kết quả PCI được công bố, Sở tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả để phân tích chuyên sâu các chỉ số tăng điểm, tăng hạng, chỉ số giảm điểm, giảm hạng để đưa ra những giải pháp đổi mới, cụ thể, sáng tạo, sát thực tiễn nhằm cải thiện điểm số và thứ hạng của các chỉ số thành phần còn thấp điểm.
Đồng thời, Sở ưu tiên đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ với nhiều hỗ trợ thiết thực như tham mưu UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn thăm hỏi, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm khơi thông những điểm nghẽn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Sở chủ động phối hợp các cơ quan, địa phương hỗ trợ, giải quyết nhanh thủ tục liên quan triển khai dự án, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng vốn đầu tư,... giúp DN tiết giảm thời gian và chi phí gia nhập thị trường; tăng cường công tác hỗ trợ thủ tục pháp lý, bố trí nhân sự trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để hỗ trợ, tư vấn miễn phí, hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư qua mạng qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, đăng ký đầu tư hoặc cung cấp thông tin quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh, kết nối giới thiệu và đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát các địa điểm đầu tư dự án phù hợp theo quy hoạch.
“Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và giữ vị trí trong nhóm đầu của cả nước, ngoài các giải pháp nâng cao PCI, quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức và việc nâng cao nhận thức phải đến từ cả 2 phía. Bộ máy chính quyền phải nhận thức được trách nhiệm, thay đổi từ tư duy đến hành động để nỗ lực, phấn đấu kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, góp sức vào sự phát triển chung. Cộng đồng DN cần nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần xây dựng để cùng chính quyền cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, cạnh tranh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư” - ông Trương Văn Liếp thông tin./.