Tập luyện có vai trò gì với người mắc hội chứng Klinefelter?

Hội chứng Klinefelter là một rối loạn nhiễm sắc thể giới tính phổ biến, chiếm 2/3 các bất thường nhiễm sắc thể ở bệnh nhân hiếm muộn nam. Mục tiêu điều trị cho người mắc hội chứng Klinefelter là giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng sống...

NỘI DUNG::::

1. Vai trò của tập luyện và xoa bóp bấm huyệt với người mắc hội chứng Klinefelter

2. Bài tập tốt cho người mắc hội chứng Klinefelter

2.1 Bài tập thở bốn thời có kê mông và giơ chân

2.2. Bài tập thăng bằng ngăn ngừa loãng xương

2.3 Tập thái cực quyền hoặc yoga

2.4 Các hoạt động thể chất khác dành cho người mắc hội chứng Klinefelter

3. Những lưu ý khi tập luyện với người mắc hội chứng Klinefelter

1. Vai trò của tập luyện và xoa bóp bấm huyệt với người mắc hội chứng Klinefelter

Hội chứng Klinefelter khiến tế bào mầm không tồn tại trong tinh hoàn, dẫn đến giảm sản xuất tinh trùng và hàm lượng androgen trong máu.

Người mắc hội chứng Klinefelter thường có biểu hiện bề ngoài khác biệt rõ ràng so với giới tính nam như ngực to, ít cơ bắp, giảm lông cơ thể... nên dễ có tâm lý lo sợ, căng thẳng.

Do đó, thực hiện tập luyện thường xuyên không chỉ giúp phát triển cơ bắp săn chắc mà còn là cách hiệu quả để giảm stress, chấp nhận bản thân, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, hoạt động thể chất có tác dụng hỗ trợ giảm cân, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì, tăng cường mật độ xương, giảm nguy cơ loãng xương.

Mặc dù chưa có đủ bằng chứng khoa học cụ thể, nhưng cơ chế tác động của xoa bóp bấm huyệt cho thấy phương pháp này có tiềm năng mang lại những lợi ích nhất định cho người bệnh Klinefelter như giúp thư giãn cơ bắp, tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng, lo âu cũng như điều hòa hệ miễn dịch.

Phương pháp tập luyện không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn nhưng góp phần mang lại một số lợi ích cho người bệnh.

Phương pháp tập luyện không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn nhưng góp phần mang lại một số lợi ích cho người bệnh.

2. Bài tập tốt cho người mắc hội chứng Klinefelter

2.1 Bài tập thở bốn thời có kê mông và giơ chân

Tác dụng: Phục hồi chức năng tác động đa chiều và hiệu quả, không chỉ đến hệ hô hấp mà còn đến hệ tim mạch và thần kinh, cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống cơ xương-dây chằng.

Tư thế: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông cao thấp tùy sức, khoảng 5-8 cm, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực. Việc kê gối ở mông làm cho trọng lượng của các cơ quan đè vào cơ hoành, do đó khi hít vào cơ hoành thở sẽ phải gắng sức hơn vì có trở ngại (đó là cách luyện cơ hoành).

Cách thực hiện:

Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng cứng, thời gian 4-6 giây (hít ngực bụng nở).
Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân dao động qua lại, cuối thời hai hạ chân xuống. Thời gian 4-6 giây (giữ hơi hít thêm); giơ luân phiên từng chân cao khoảng 20 cm để luyện cơ bụng rắn chắc, đồng thời tăng tác dụng xoa bóp nội tạng ở thời giữ hơi.
Thời 3: Thở ra, tự nhiên thoải mái, không kềm, không thúc. Thời gian 4-6 giây (thở không kềm thúc).
Thời 4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1. Thời gian 4-6 giây (nghỉ nặng ấm thân).

Tập 2-3 lần/ngày, mỗi lần 20 hơi thở.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể thực hiện các bài tập thở cơ hoành, thở lửa, thở luân phiên... để đạt được lợi ích sức khỏe.

Cách thực hiện thở 4 thời có kê mông và giơ chân.

Cách thực hiện thở 4 thời có kê mông và giơ chân.

2.2. Bài tập thăng bằng ngăn ngừa loãng xương

Nên luyện tập các nhóm cơ lớn, chẳng hạn như cơ bụng, cơ lưng, cơ ngực và cơ vùng chậu cũng như các bài tập được thực hiện trong môi trường nước, vì đây là yếu tố giảm tải áp lực lên các khớp xương.

Một số bài tập thăng bằng có thể thực hiện gồm:

- Đứng, dồn trọng lượng lên một chân và nâng chân còn lại sang một bên hoặc ra sau.

- Đứng thẳng, đặt gót chân trái ngay trước ngón chân phải.

- Đứng lên - ngồi xuống khỏi ghế mà không dùng tay.

2.3 Tập thái cực quyền hoặc yoga

Tác dụng: Thái cực quyền và yoga là hệ thống các chuyển động chậm, nhịp nhàng giúp cải thiện sự ổn định tư thế, mang lại nhiều lợi ích cho cơ xương và tim phổi, đồng thời giúp người mắc hội chứng Klinefelter thư giãn, giảm căng thẳng.

Gợi ý cách thực hiện một số bài tập yoga:

Tư thế xác chết (Savasana)

Nằm ngửa trên sàn, hai chân duỗi thẳng, hai tay duỗi thẳng hai bên.
Nhắm mắt, thả lỏng toàn bộ cơ thể.
Giữ nguyên tư thế trong 5-10 phút.

Tư thế em bé (Balasana)

Ngồi thẳng, đặt mông lên phần gót chân, giữ cho mu chân chạm sàn.
Cúi gập người về phía trước, trán chạm sàn.
Đưa tay về phía gót chân, mu bàn tay chạm sàn; duy trì tư thế này trong 1 – 3 phút.

Tư thế con mèo – bò (Marjaryasana – Bitilasana)

Bắt đầu bằng tư thế bò, hai tay chống vuông góc với sàn, hai đầu gối chống vuông góc với hông.
Hít vào, cong lưng lên, ngẩng đầu cao.
Thở ra, hạ lưng xuống, gập đầu vào ngực; lặp lại động tác 10 – 15 lần.

Tư thế chó úp mặt (Adho Mukha Svanasana)

Bắt đầu bằng tư thế bốn chân, đặt lòng bàn tay và đầu gối chạm sàn, cánh tay thẳng và song song với nhau, đôi chân hơi rộng hơn vai.
Hít thở sâu vào, khi thở ra, đẩy chân lên, nâng mông lên cao, tạo thành hình tam giác ngược.
Cố gắng giữ cánh tay thẳng và đưa lưng thẳng lên trên. Đầu và cổ nằm giữa hai vai, nhìn về phía chân hoặc hướng về bụng.
Giữ tư thế trong 1-2 phút, thở sâu và đều. Để thoát khỏi tư thế, hít thở sâu vào và khi thở ra, đặt chân về vị trí ban đầu.

Tư thế chó úp mặt.

Tư thế chó úp mặt.

Tư thế con thuyền (Paripurna Navasana)

Ngồi thẳng lưng, 2 chân duỗi thẳng trước mặt, 2 tay đặt 2 bên cơ thể, 2 bàn tay đặt trên sàn, các ngón tay hướng về phía bàn chân.
Thở ra và gập chân, sau đó từ từ đưa chân lên khỏi sàn một góc 45 độ; giữ thẳng lưng.
Đưa thẳng tay ra trước cùng với chân, song song với sàn; mở rộng vai và duỗi thẳng các ngón tay.
Nếu không làm được, hãy để tay trên sàn cạnh hông và giữ cân bằng; giữ lưng thẳng, ngực hơi ưỡn, bụng dưới siết chặt và giữ tư thế trong tầm 10-20 giây rồi dần dần tăng lên 1 phút.

2.4 Các hoạt động thể chất khác dành cho người mắc hội chứng Klinefelter

Để cải thiện tình trạng bệnh và nâng cao sức khỏe, người mắc hội chứng Klinefelter nên tham gia các hoạt động thể chất như chạy bộ, bơi lội, đạp xe, pilate, bóng rổ, cầu lông …

Ngoài ra, đối với các trường hợp loét cẳng chân có thể áp dụng liệu pháp từ trường, tia laser, massage bạch huyết... Đối với thái độ tiêu cực và lo lắng có thể sử dụng xoa bóp kết hợp tinh dầu thơm...

Chơi cầu lông giúp người mắc hội chứng Klinefelter giảm căng thẳng, lo âu.

Chơi cầu lông giúp người mắc hội chứng Klinefelter giảm căng thẳng, lo âu.

3. Những lưu ý khi tập luyện với người mắc hội chứng Klinefelter

Thời điểm tập tốt nhất trong ngày: Thời điểm tập lý tưởng nhất nên là vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định. Tuy nhiên, việc thực hiện các bài tập nên đều đặn, thường xuyên hàng ngày nên người bệnh cần sắp xếp thời gian tập hợp lý cho phù hợp với lịch sinh hoạt, làm việc.

Không tập khi cơ thể đang mệt mỏi, đói bụng hoặc sau khi ăn no: Nếu tập luyện khi mệt mỏi làm tăng nguy cơ chấn thương và lợi ích của bài tập không được tận dụng tối đa. Việc tập luyện thể lực tốt nhất nên được thực hiện ít nhất 1 - 2 giờ sau bữa ăn. Hãy đảm bảo cơ thể đang ở trong tình trạng năng lượng tốt.

Cách tập luyện thể lực không gây hại sức khỏe

Lựa chọn các hoạt động phù hợp.
Khởi động kỹ trước khi tập luyện.
Các động tác yoga nên tập luyện theo sự hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn.
Cần dừng tập ngay nếu cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi quá mức, hoặc khó thở.
Uống đủ nước.
Tránh tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Nên chọn những nơi thoáng mát, sạch sẽ và có không khí trong lành để tập luyện
Đảm bảo có đủ thời gian nghỉ ngơi giữa các buổi tập để cơ thể có thời gian hồi phục.
Việc tập luyện luôn phải đi đôi với chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.

Mời bạn xem tiếp video:

Đột quỵ có di truyền hông? | SKĐS

ThS.BS Phạm Đức Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tap-luyen-co-vai-tro-gi-voi-nguoi-mac-hoi-chung-klinefelter-169241121114419351.htm
Zalo