Tập huấn kỹ năng ra đề cho hơn 3.000 giáo viên cốt cán để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Về công tác chuẩn bị cho năm 2025 là năm đầu tiên sẽ triển khai thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đã tổ chức tập huấn cho hơn 3.000 giáo viên cốt cán về phương pháp và nâng cao kỹ năng ra đề, kiểm tra đánh giá thường xuyên đề thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024 diễn ra chiều 7/9, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã thông tin đến báo chí công tác chuẩn bị cho năm 2025 là năm đầu tiên sẽ triển khai thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi sớm hơn 1 năm rưỡi

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 với quy mô, tính chất rất mới. "Đây là việc hệ trọng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ GD&ĐT trong năm học 2024- 2025", ông Thưởng nói.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, xác định tính chất quan trọng của kỳ thi, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo, với nguyên tắc là bám sát chỉ đạo của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội, Nghị quyết 144 của Chính phủ. Theo đó, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phải đảm bảo gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém và đảm bảo chất lượng, đánh giá khách quan chất lượng dạy và học; cung cấp dữ liệu đủ tin cậy để tuyển sinh các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng làm công tác tuyển sinh của mình.

Cụ thể, ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT tích cực chuẩn bị và những việc đã làm tập trung vào 4 nội dung như sau: Công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi vào ngày 28/11/2023, sớm hơn một năm rưỡi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và các cơ sở giáo dục.

Thứ hai, ban hành cấu trúc và định dạng đề thi để các thầy cô giáo và học sinh để thuận lợi trong công tác dạy và học.

Thứ ba, tổ chức tập huấn cho hơn 3.000 giáo viên cốt cán về phương pháp và nâng cao kỹ năng ra đề, kiểm tra đánh giá thường xuyên đề thi tốt nghiệp THPT.

Thứ tư, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn trong năm học và các văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT chủ động mọi phương án về cơ sở vật chất, nhân lực, phương án chuyên môn, phương án dạy và học để tập trung cho công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

 Tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Nam Định. Ảnh minh họa: INT

Tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Nam Định. Ảnh minh họa: INT

Truyền thông nâng cao nhận thức công tác dạy học và tổ chức cho kỳ thi sắp tới

Cùng với đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết những việc sẽ làm, cụ thể: Một là, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 9 này ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, phối hợp để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024-2025. Hiện, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ tham mưu… "Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với một công việc khó, có tác động rất lớn đối với xã hội", ông Thưởng nói.

Hai là, Bộ GD&ĐT cũng đã đăng tải trên mạng về việc ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi. Dự kiến sau khi tiếp thu ý kiến hoàn thiện sẽ ban hành vào tháng 11/2024 này, sớm hơn 3 tháng so với các kỳ ban hành quy chế khác.

Ba là, Bộ GD&ĐT đang xây dựng và sẽ công bố đề thi mẫu để học sinh và giáo viên căn cứ làm cơ sở phục vụ cho công tác dạy học.

Bốn là, tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo tập huấn về công tác chuyên môn liên quan đến đề thi.

Năm là, Bộ chỉ đạo các Sở GD&ĐT chuẩn bị tốt cho công tác này theo các nhóm nhiệm vụ: Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị; Nhân lực và công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên; Công tác dạy và học thường xuyên.

Sáu là, tăng cường cơ sở vật chất chung của Bộ GD&ĐT cũng như các tỉnh, thành phố, nhất là phần mềm tổ chức kỳ thi.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, với tinh thần chuẩn bị như vậy, Bộ GD&ĐT đã chủ động, tích cực, hiệu quả và bám sát nguyên tắc chỉ đạo của các nghị quyết cũng như tình hình thực tiễn mà ngành giáo dục đào tạo đang chỉ đạo. Đây cũng là công việc có tác động đến xã hội rất lớn. "Chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT truyền thông, tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức, đặc biệt là công tác dạy học và tổ chức cho kỳ thi sắp tới", ông Thưởng đề nghị.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tap-huan-ky-nang-ra-de-cho-hon-3000-giao-vien-cot-can-de-chuan-bi-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-post311102.html
Zalo