Tập đoàn Hoa Sen (HSG) củng cố vị thế tại miền Bắc, mở văn phòng tại Trung Quốc

Trong bối cảnh mảng tôn mạ của Tập đoàn Hòa Phát đang vươn lên mạnh mẽ, Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) đã quyết định thành lập thêm tổng kho để phục vụ 15 tỉnh thành miền Bắc.

Tổng kho Hà Nam được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố vị thế của Tập đoàn Hoa Sen tại thị trường miền Bắc.

Tổng kho Hà Nam được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố vị thế của Tập đoàn Hoa Sen tại thị trường miền Bắc.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) vừa quyết định thành lập Tổng kho Hà Nam tại Cụm công nghiệp Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam). Đáng chú ý, bên cạnh việc hoạt động như kho hàng, tổng kho này còn đăng ký hoạt động sản xuất tôn mạ, thép mạ, sản phẩm nhựa và vật liệu xây dựng, nhằm phục vụ 15 tỉnh thành phía Bắc, từ Hà Nội đến các tỉnh biên giới như Lạng Sơn.

Động thái trên được kỳ vọng sẽ giúp Tập đoàn Hoa Sen củng cố hơn nữa vị thế tại miền Bắc - thị trường trọng điểm của tập đoàn này. Theo dữ liệu tổng hợp của Chứng khoán Rồng Việt, trong 9 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đang duy trì thị phần tôn mạ nội địa dẫn đầu, chiếm 26,2%

Đối với hai thị trường miền Bắc và miền Trung, tập đoàn này lần lượt chiếm 34,4% và 33,6% thị phần, bỏ xa so với doanh nghiệp đứng thứ 2 là Tập đoàn Hòa Phát (chiếm 18,3% và 17%). Tuy nhiên, thị phần tổng thể trong nước của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng mạnh từ mức 1% trong quý 2/2024 lên 9,3% trong quý 3/2024, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng sản lượng của thị trường miền Bắc.

Xét về kết quả kinh doanh, kết thúc niên độ tài chính 2023 - 2024 (1/10/2023 - 30/9/2024), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận 39.272 tỷ đồng doanh thu, tăng 24% so với niên độ trước, nhưng lãi ròng tăng gấp 17 lần, đạt 510 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo đánh giá của nhiều hãng chứng khoán, với việc tiêu thụ tôn mạ trong nước duy trì đà phục hồi tích cực, Tập đoàn Hoa Sen sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp đầu tiên nhờ lợi thế về thị phần. Bên cạnh đó, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp tôn mạ còn được hỗ trợ từ việc Bộ Công Thương gia hạn biện pháp chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc thêm 05 năm (đến tháng 10/2029).

Dữ liệu lịch sử cho thấy, trong đợt áp thuế hồi năm 2016, Tập đoàn Hoa Sen đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ nội địa hàng quý tăng tới 30% so với giai đoạn trước khi áp thuế.

Đáng chú ý, Tập đoàn Hoa Sen vừa quyết định thành lập văn phòng đại diện tại Quận Hoa Đô, TP.Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Tập đoàn Hoa Sen cho biết, văn phòng đại diện này sẽ không tham gia trực tiếp kinh doanh nhưng sẽ giúp tăng cường kết nối giữa tập đoàn với Trung Quốc - thị trường thép lớn nhất thế giới.

Hiện giá thép cuộn cán nóng (HRC) Trung Quốc đã có tín hiệu tạo đáy và hồi phục trở lại. Do đó, giá các sản phẩm thép tại Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện, từ đó thúc đẩy biên lợi nhuận trên thị trường nội địa của các doanh nghiệp tôn mạ.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tap-doan-hoa-sen--hsg--cung-co-vi-the-tai-mien-bac--mo-van-phong-tai-trung-quoc-129854.htm
Zalo