Tập đoàn của ông Donald Trump muốn đầu tư tại Hưng Yên; Hàng tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản
Nhiều chung cư cũ nứt, nghiêng sau bão Yagi; Hà Nội đưa tình trạng ngập úng vào tiêu chí xác định giá đất; Tầng hầm nhà ở riêng lẻ tại TP.HCM cao tối đa 2,2m; Đồng Nai chấp thuận nhà đầu tư khu đô thị hơn 72.000 tỷ đồng.
Sau đây là tổng hợp các thông tin bất động sản nổi bật trong tuần.
Tập đoàn của ông Donald Trump muốn đầu tư khách sạn, sân golf tại tỉnh Hưng Yên
Vào ngày 16/9, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, đã có buổi tiếp và làm việc với các đại diện cấp cao của tập đoàn The Trump Organization - doanh nghiệp thuộc sở hữu của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đại diện phía The Trump Organization bày tỏ mong muốn được hợp tác, đầu tư tại tỉnh Hưng Yên trong lĩnh vực xây dựng khách sạn, sân golf và tổ hợp vui chơi, giải trí. Đây đều là những thế mạnh, thương hiệu mang tầm quốc tế của tập đoàn.
Đồng thời, doanh nghiệp đến từ xứ cờ hoa còn đề nghị tỉnh tạo điều kiện để được tham gia trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh và góp phần thúc đẩy sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam - Mỹ.
Theo thông tin từ cuộc gặp mặt, đơn vị đã đề xuất và xúc tiến cho thương vụ đầu tư này là CTCP Đầu tư và Phát triển Hưng Yên (Hưng Yên Group). Doanh nghiệp này là một công ty con của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Tính đến ngày 30/6, Đô thị Kinh Bắc đang nắm giữ 95% cổ phần có quyền biểu quyết của Hưng Yên Group.
Hưng Yên Group được thành lập vào năm 2021 với số vốn điều lệ là 1.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp là nhà phát triển các dự án bất động sản công nghiệp, khu đô thị và chuỗi nhà ở xã hội. Hiện ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Đô thị Kinh Bắc, cũng đang là Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Hưng Yên Group.
Tập đoàn tư nhân đa ngành The Trump Organization đã đầu tư và sở hữu một loạt khách sạn, sân golf, bất động sản thương mại và nhà ở khắp nước Mỹ, cũng như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ở châu Á, công ty của gia đình ông Trump có sân golf ở Dubai (UAE), Indonesia, Oman và nhiều bất động sản ở Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ.
Hàng tỷ USD vốn ngoại đang đổ vào bất động sản Việt Nam
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/8, vốn FDI đăng ký cấp mới vào lĩnh vực bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng gấp 5 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng nguồn vốn mới.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và điều chỉnh, FDI đăng ký vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, cao gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản cũng lên tới 1,27 tỷ USD, gấp 2 lần so với 8 tháng của năm ngoái và chiếm 9% tổng vốn FDI thực hiện. 4 phân khúc được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn ngoại đợt này là bất động sản công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và nhà ở.
Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản. Tầm ngắm khối ngoại vẫn hướng tới các dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.
Không dừng lại ở đó, thị trường bất động sản trong nước được kỳ vọng sẽ hút thêm hàng tỷ USD từ những người nước ngoài có mong muốn mua nhà tại Việt Nam. Với việc Luật Nhà ở mới cho phép người nước ngoài được gia hạn thời gian sở hữu nhà lên tới 50 năm, bà Lê Thị Hằng, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Indochine cho rằng, đây sẽ là yếu tố đòn bẩy, giúp thị trường trở nên sôi động, đặc biệt là với phân khúc cao cấp.
“Các quy định rõ ràng, minh bạch về quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài sẽ tạo tiền đề hình thành môi trường đầu tư hấp dẫn, từ đó thu hút thêm dòng vốn FDI vào bất động sản”, bà Hằng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Bộ Xây dựng: Nhiều chung cư cũ nứt, nghiêng sau bão Yagi
Trong công văn 5297/BXD-QLN, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, nhiều tỉnh thành phía Bắc của Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi siêu bão Yagi (cơn bão số 3), gây lũ lụt ở một số địa phương và thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Tại một số nơi, nhiều nhà chung cư cũ thuộc diện cải tạo, xây dựng lại đã có hiện tượng nứt, nghiêng, không còn đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng. Do ảnh hưởng của cơn bão, một số địa phương đã phải di dời người dân ra khỏi nhà chung cư để đảm bảo an toàn.
“Theo thống kê, cả nước có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó có nhiều nhà chung cư theo kết quả kiểm định đã thuộc diện cải tạo, xây dựng lại”, Bộ Xây dựng nêu rõ.
Để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân sinh sống trong các nhà chung cư cũ trước mùa mưa bão năm 2024, đồng thời thúc đẩy các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao quy định tại Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện ngay các giải pháp để di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định, bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ dân phải di dời.
Ngoài ra, địa phương cần khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại, để các nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án…
Hà Nội đưa tình trạng ngập úng vào tiêu chí xác định giá đất
Quyết định 55/2024 của UBND TP. Hà Nội đã quy định 8 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất phi nông nghiệp trên địa bàn. Các yếu tố này cũng như các tiêu chí hình thành nên mỗi yếu tố sẽ quyết định giá trị của mỗi khu đất, thửa đất; mức độ tương đồng cũng như điều chỉnh giữa các bất động sản khi định giá.
Một trong các yếu tố đáng chú ý trong quy định này là điều kiện cấp thoát nước, cấp điện. Khi quyết định giá đất, đơn vị định giá phải xét đến tình trạng cấp nước, cấp điện ổn định hay không ổn định, tình trạng ngập úng khi có mưa lớn lớn.
Bên cạnh đó, 7 yếu tố còn lại bao gồm:
Thứ nhất là vị trí, địa điểm của thửa đất, khu đất. Giá của thửa đất hay khu đất sẽ được quyết định tùy vào khoảng cách theo thứ tự ưu tiên đến trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, giáo dục và đào tạo, công viên, khu vui chơi giải trí, chợ, cơ sở y tế.
Thứ hai là điều kiện về giao thông. Yếu tố này cần xét đến các tiêu chí gồm loại đường tiếp giáp (kết cấu đường nhựa, bê tông, đất và kết cấu đường khác); độ rộng đường tiếp giáp (bao gồm cả vỉa hè); số mặt đường tiếp giáp.
Trong trường hợp ước tính giá chuyển nhượng đất, nhà ở riêng lẻ, tổ chức xác định giá đất thực hiện khảo sát, thu thập và đánh giá thêm tiêu chí về mặt cắt đường nội bộ (nếu có) tiếp giáp của thửa đất.
Thứ ba là diện tích, kích thước, hình thể của thửa đất, khu đất.
Thứ tư là quy hoạch xây dựng, tức căn cứ hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao công trình, tầng hầm,
Đối với loại hình kinh doanh khách sạn, tổ chức xác định giá đất thực hiện khảo sát, thu thập và đánh giá thêm tiêu chí số phòng, tiêu chuẩn dịch vụ của khách sạn (xếp hạng theo số sao).
Thứ năm là hiện trạng môi trường, an ninh, bao gồm điều kiện bụi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí và nguồn nước; gần khu nghĩa trang, khu xử lý rác thải...
Thứ sáu là thời hạn sử dụng đất. Nếu là đất có thời hạn việc định giá cần tính đến thời hạn sử dụng đất còn lại của bất động sản đó.
Thứ bảy là các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất phù hợp với điều kiện thực tế, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương như danh lam thắng cảnh; đền, chùa, miếu mạo; làng nghề truyền thống.
Hà Nội: Huyện Thanh Oai tiếp tục mở đấu giá đất, liệu có lập đỉnh mới?
Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam đã ra thông báo đấu giá 58 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai. Đây là các lô có ký hiệu từ 140 đến 197, thuộc dãy ONT-7 và ONT-8.
Diện tích các lô đất dao động từ 76 - 189m2, giá khởi điểm cho các thửa đều là 5,3 triệu đồng/m2. Số tiền đặt cọc cho mỗi lô là 81 - 201 triệu đồng. Buổi đấu giá sẽ được thực hiện dưới hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng.
Hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá là ngày 2/10. Sau đó, buổi đấu giá sẽ được tổ chức vào sáng ngày 5/10 tại nhà thi đấu huyện Thanh Oai.
So sánh với 68 thửa đất đấu giá tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao - nơi có lô đất 100 triệu đồng/m2 vừa mới bị bỏ cọc, mức giá khởi điểm tại thôn Văn Quán có giá thấp hơn khoảng 2 lần. Tuy nhiên, do diện tích các lô tương đối lớn nên mức tiền đặt cọc của hai thôn gần tương đương nhau.
Theo anh T.N, một nhân vật từng “thực chiến" tại cả hai “chảo lửa" ở huyện Hoài Đức và Thanh Oai, trong thời gian tới, các đội nhóm chuyên kinh doanh đất đấu giá sẽ thận trọng hơn. Hiện mức giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội đang ở mức rất cao, nếu tiếp tục mạnh dạn trả giá cao hơn để đấu trúng, tính thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Đội đấu trúng lô đất 100 triệu đồng/m2 tại xã Thanh Cao đợt trước đã đánh giá sai mặt bằng giá thị trường. Riêng nhóm này đã phải bỏ cọc khoảng 2 - 3 lô. Bản thân nhóm đến từ tỉnh khác và họ cũng không sở hữu các thửa đất thổ cư xung quanh khu vực đấu giá. Vì vậy, có thể nhận định rằng đội đó đã bị lỗ tại địa bàn huyện Thanh Oai", anh T.N chia sẻ.
Trong một diễn biến mới đây, phía Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, dù đã hết thời gian nộp tiền nhưng mới chỉ có 13/68 lô đất tại khu Ngõ Ba, xã Thanh Cao nộp đủ. Như vậy, 55 thửa còn lại đã chính thức bỏ cọc. Đây đều là những mảnh có giá trúng cao, dao động từ 80 - 100 triệu đồng/m².
Với kết quả trên, số tiền thu về từ phiên đấu giá chỉ khoảng 60 tỷ đồng, thấp hơn nhiều lần so với mức dự kiến là hơn 400 tỷ đồng.
Tầng hầm nhà ở riêng lẻ tại TP.HCM cao tối đa 2,2m, không được ở
Theo hướng dẫn mới nhất từ Sở Xây dựng TP.HCM, nhà ở riêng lẻ được xây tối đa một tầng hầm để bố trí tầng kỹ thuật, bãi đậu xe và không bố trí chức năng ở.
Ngoài ra, chiều cao thông thủy của tầng hầm tại nhà ở riêng lẻ không nhỏ hơn 2m trong trường hợp không bố trí đậu xe ô tô và không nhỏ hơn 2,2m khi bố trí đậu xe ô tô.
Trường hợp nhà ở riêng lẻ kết hợp chức năng khác có nhu cầu xây dựng từ 2 tầng hầm trở lên phải lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng.
Đối với nhóm nhà ở cao tầng như chung cư, các công trình dịch vụ, công cộng và trụ sở, công trình trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và công trình xây dựng khác..., quy định cho phép xây tầng hầm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.
Số tầng hầm và vị trí tầng hầm của các công trình nói trên được xác định cụ thể trong đồ án quy hoạch chi tiết, bản vẽ xin phép xây dựng, thiết kế cơ sở, các quy chuẩn quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng.
Tỉnh Đồng Nai chấp thuận nhà đầu tư khu đô thị hơn 72.000 tỷ đồng
Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho liên danh 5 nhà đầu tư làm thực hiện dự án khu đô thị Hiệp Hòa tại TP. Biên Hòa. Liên danh này gồm Công ty TNHH Lan Anh - Phú Quốc; CTCP Tập đoàn Mặt Trời; Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long; CTCP Tập đoàn bất động sản Mặt Trời và Công ty TNHH Đầu tư Biển đẹp Phú Quốc.
Khu đô thị có tổng diện tích 293 ha và tổng mức đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của liên danh các nhà đầu tư là 10.800 tỷ đồng, còn lại 61.400 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động.
Dự án sẽ được đầu tư thành 6 giai đoạn, thực hiện trong 12 năm, kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm theo quy định của Luật Đầu tư.
Khu đô thị Hiệp Hòa sẽ được xây dựng đa dạng các loại hình nhà ở, kết hợp với trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, dịch vụ công cộng... Dự án được định hướng phát triển theo hướng du lịch bền vững, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Đáng chú ý, khu đô thị này nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất tỉnh Đồng Nai, khi 4 mặt tiếp giáp sông Đồng Nai (cù lao Hiệp Hòa). Do đó, tỉnh đang đầu tư một số cây cầu kết nối đến khu vực này.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sắp có thêm khu công nghiệp gần 2.000 tỷ đồng
Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chấp thuận đầu tư dự án mở rộng khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac với quy mô 110 ha.
Theo đó, khu công nghiệp được thực hiện tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ với tổng mức vốn 1.989 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 386,216 tỷ đồng. CTCP Đầu tư xây dựng dầu khí Idico là chủ đầu tư dự án.
Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2012, có 163 ha diện tích đất công nghiệp cho thuê. Với tỷ lệ lấp đầy cao, chủ đầu tư Idico đề xuất mở rộng khu công nghiệp này.
Theo đề xuất ban đầu, khu công nghiệp được mở rộng theo hai giai đoạn. Giai đoạn một mở rộng 251 ha. Trong đó, khu thứ nhất có diện tích khoảng 111 ha nằm trên địa bàn phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ. Phần diện tích này được quy hoạch là đất công nghiệp. Khu thứ hai rộng khoảng 140 ha nằm trên địa bàn phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, được quy hoạch là đất dự trữ phát triển.
Giai đoạn hai mở rộng thêm 380 ha, phần mở rộng nằm trên địa bàn phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ. Phần đất được quy hoạch là đất dự trữ phát triển.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ chấp nhận mở rộng khu thứ nhất thuộc giai đoạn một, có diện tích đất khoảng 111 ha. Đây cũng là dự án mở rộng vừa được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận chủ trương.