Tập đoàn CMC bị tấn công mã độc, cơ quan chức năng đang điều tra
Đại diện Tập đoàn CMC xác nhận đơn vị này vừa bị tấn công mã độc vào hôm qua (14/4), nhưng dịch vụ đã được khôi phục.
Theo các nguồn tin, Tập đoàn CMC đã bị tấn công mã độc nhằm mục đích tống tiền. Trang Hookphish cho biết, hơn 2TB dữ liệu, bao gồm token và dữ liệu trang web, đã bị nhóm tội phạm này chiếm giữ, làm dấy lên lo ngại về an ninh mạng. Nhóm tin tặc Crypto24 được cho là đứng sau vụ tấn công.

Đại diện CMC xác nhận đơn vị bị tấn công mã độc nhưng đã nhanh chóng khôi phục.
Đại diện truyền thông của CMC cho biết, một dịch vụ chuyên biệt với phạm vi triển khai hạn chế, do một công ty thành viên quy mô nhỏ của CMC cung cấp cho một số lượng ít khách hàng, đã ghi nhận dấu hiệu bị tấn công có chủ đích. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống và dịch vụ của các đơn vị chủ lực thuộc Tập đoàn CMC không bị ảnh hưởng, vẫn vận hành an toàn và ổn định.
"Ngay khi phát hiện sự cố, CMC đã kịp thời kích hoạt quy trình ứng cứu an ninh mạng, nhanh chóng cô lập nguồn tấn công và kiểm soát hoàn toàn hệ thống trong vòng 24 giờ. Việc cung cấp dịch vụ chỉ bị gián đoạn trong thời gian rất ngắn và đã được khôi phục hoàn toàn, không ghi nhận bất kỳ ảnh hưởng nào đến trải nghiệm khách hàng", đại diện CMC thông tin.
Theo đại diện CMC, ngay sau khi xử lý xong sự cố, đơn vị đã chủ động gửi email thông báo tới các khách hàng bị ảnh hưởng và đối tác liên quan, cung cấp đầy đủ thông tin về vụ việc và kết quả khắc phục, đồng thời khẳng định cam kết đảm bảo an toàn cho tất cả các dịch vụ do các công ty thành viên CMC đang triển khai.
"Hiện nay, mọi hoạt động kỹ thuật đang được đảm bảo ổn định. CMC đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ vụ việc. Sau khi có kết luận chính thức và được phê duyệt, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin đầy đủ tới khách hàng và đối tác", đại diện CMC xác nhận.
Theo cơ quan an ninh mạng Bkav, trong năm 2024, có 155.640 máy tính tại Việt Nam bị tấn công bởi mã độc ransomware. Thiệt hại của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam do những phá hoại của virus lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, bao gồm: tiền trả cho hacker để chuộc dữ liệu, doanh thu sụt giảm trực tiếp vì hệ thống ngưng trệ, thiệt hại do mất khách hàng, thương hiệu bị ảnh hưởng…
Trước đây, có doanh nghiệp từng mất hơn 100 tỷ đồng chỉ sau một ngày bị tấn công mã độc. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng những gì nhìn thấy hay tính toán được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong một vài năm gần đây, các yêu cầu trợ giúp do bị ransomware tấn công được gửi tới các cơ quan chức năng ngày càng nhiều.
Cũng theo Bkav, virus gián điệp APT và virus mã hóa tống tiền đang ẩn mình trong rất nhiều hệ thống ở Việt Nam. Chúng âm thầm lây lan và sẽ gây hại, tấn công vào thời điểm thích hợp trong thời gian tới. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về an ninh mạng và áp dụng lập tức các biện pháp phòng ngừa virus máy tính theo cách chuyên nghiệp.
Ransomware, phần mềm độc hại chuyên mã hóa dữ liệu của nạn nhân và đòi tiền chuộc, là một mối đe dọa lớn trong lĩnh vực an ninh mạng hiện nay. Việc mã hóa dữ liệu khiến cho nạn nhân hầu như không thể khôi phục được dữ liệu mà không có khóa giải mã. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện sao lưu dữ liệu thường xuyên để bảo vệ mình khỏi những cuộc tấn công này. Nếu hệ thống bị tấn công, doanh nghiệp có thể phục hồi dữ liệu từ bản sao lưu, chỉ bị mất một chu kỳ cập nhật gần nhất.