Tập đoàn Asanzo dùng những chiêu gì để trốn thuế?
Ngoài bị truy thu và nộp phạt hơn 47 tỷ đồng tiền thuế, Tập đoàn Asanzo còn bị đề nghị truy cứu hình sự vì có dấu hiệu trốn gần 14 tỷ đồng thuế.
Ngày 27/10, ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TP.HCM khẳng định Tập đoàn Asanzo đã trốn thuế gần 14 tỷ đồng. Trong đó bao gồm hai khoản thuế: thuế tiêu thụ đặc biệt là 9.785.590.910 đồng (hơn 9,7 tỷ đồng) và thuế giá trị gia tăng 4.193.367.580 tương đương hơn 4,1 tỷ đồng. Như vậy tổng số tiền Asanzo trốn thuế là 13.978.958.490 (gần 14 tỷ đồng).
Không xuất hóa đơn để trốn thuế TTĐB và GTGT
Cục thuế TP.HCM thừa nhận trước đó, trong văn bản báo cáo ghi số liệu Asanzo trốn thuế cũng ghi rõ hai khoản: thuế tiêu thụ đặc biệt là 9.785.590.910 đồng (hơn 9,7 tỷ đồng) và thuế giá trị gia tăng thay vì ghi 4.193.367.580 (tương đương hơn 4,1 tỷ đồng) nhưng trước đó do đánh máy nhầm lên đến 4.193.367.367.580 (tương đương hơn 4.100 tỷ đồng). Cục thuế TP.HCM đã hiệu chỉnh lại thông tin nhầm này.
Trước đó, ngày 16/10 Cục thuế TP.HCM đã có công văn gửi Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan liên quan đến kết luận thanh tra thuế tại Asanzo (thời kỳ thanh tra từ 2016 đến 7/2019). Văn bản nêu rõ về hành vi trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của Asanzo có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, hành vi để ngoài sổ kế toán, không xuất hóa đơn trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như sau: Công ty Trần Thoàn (công ty thành viên của Asanzo) xuất linh kiện cho Tập đoàn Asanzo (công ty mẹ) sau đó Tập đoàn Asanzo lấy giao cho công ty VTB gia công và lắp ráp một phần để thành phẩm mặt hàng điều hòa nhiệt độ và xuất cho công ty điện lạnh Asanzo. Tập đoàn Asanzo đã không xuất hóa đơn và để ngoài sổ kế toán khoản thu liên quan đến doanh thu bán hàng cho công ty điện lạnh Asanzo. Công ty Trần Thoàn lại xuất hóa đơn trực tiếp Công ty điện lạnh Asanzo mặt hàng điều hòa nhiệt độ.
Như vậy Tập đoàn Asanzo đã không khai thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, vi phạm Khoản 1, 2, 3, 5 Điều 108 Luật quản lý thuế 78/2016/QH11. Hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn có nội dung được ghi không có thực; hóa đơn ghi mặt hàng điều hòa nhiệt độ nhưng nội dung thực là linh kiện điều hòa nhiệt độ) trốn thuế tiêu thụ đặc biệt.
Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa đầu vào
Cũng theo Cục Thuế TP.HCM, căn cứ vào sổ kế toán, chứng từ, kết quả xác minh cho thấy Tập đoàn Asanzo là cơ sở sản xuất mặt hàng điều hòa nhiệt độ từ 90.000 BTU trở xuống thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có dán tem Asanzo và bao bì in nhãn hiệu Asanzo (Mua linh kiệt từ các công ty Trần Thoàn, An Thiên, Việt Tài về thuê bên ngoài gia công một phần và phần còn lại tự sản xuất, lắp ráp nhưng không ghi chép trong sổ sách kế toán). Tuy nhiên, Tập đoàn Asanzo đã sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa đầu vào và khai thuế là hoạt động thương mại, không khai thuế tiêu thụ đặc biệt. Vi phạm Khoản 1,5 Điều 108 Luật Quản lý thuế 78/2006/QH11.
Liên quan đến số tiền truy thu thuế và tiền nộp phạt vì chậm nộp thuế mà Asanzo phải đóng là 68 tỷ đồng. Sau đó Cục thuế TP.HCM đã banhành Quyết định 5403 hủy bỏ một phần quyết định xử phạt là 68 tỷ đồng nêu trên. Vì quyết định xử phạt là quyết định hành chính, dân sự. Nhằm đảm bảo một hành vi vi phạm không bị xử phạt 2 lần nên Cục thuế TP.HCM đã tách ra, "hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm” (hình sự) là hành vi trốn thuế đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo quy định. Vì thế quyết định xử phạt hành chính với số tiền truy thu, nộp phạt của Asanzo sẽ là 47 tỷ đồng thay vì 68 tỷ đồng như trước đó.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, thương hiệu điện máy gia dụng Asanzo đình đám một thời dính phải hàng loạt các tai tiếng. Bắt đầu bằng việc tập đoàn Asanzo bị thua kiện Asano. TAND TP đã tuyên án tập đoàn Asanzo phải bồi thường 100 triệu đồng và phải xóa bỏ nhãn hiệu. Tuy nhiên đến nay Asanzo chỉ mới bồi thường 100 triệu đồng cho Asano chứ chưa xóa bỏ nhãn hiệu cũng như cải chính xin lỗi Asano trên báo như bản án tuyên từ đầu năm.
Tiếp đến là nghi vấn Asanzo không bán hàng chính hãng mà là hàng Trung Quốc. SHARP là một thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới cũng tuyên bố sẽ đâm đơn kiện Asanzo vì cho rằng đơn vị này đã giả mạo chứng từ sở hữu công nghệ. Chưa dừng lại ở đó ngày Cục Thuế TP.HCM mới đây có công văn gửi lên Cơ quan chức năng về việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự Asanzo do có dấu hiệu trốn thuế.