Tạo xung lực mới cho tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập

Ngày 16/5, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam), Hội thảo khoa học với chủ đề 'Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập' đã diễn ra trong không khí sôi nổi, hướng tới kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Phát biểu khai mạc, TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh: Ngày Khoa học và Công nghệ là dịp để tôn vinh đội ngũ trí thức với những đóng góp thiết thực trong công cuộc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm lắng nghe, tổng kết thực tiễn hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ (KH&CN) ngoài công lập một lực lượng quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo ông Dũng, để KH&CN trở thành động lực chính cho phát triển, cần không chỉ phát huy vai trò của khu vực công lập mà còn phải tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho các tổ chức ngoài công lập phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả và sáng tạo hơn. Ông kỳ vọng hội thảo sẽ là diễn đàn trao đổi thẳng thắn, đề xuất nhiều kiến nghị xác đáng, góp phần kiến tạo cơ chế thuận lợi hơn cho các tổ chức KH&CN ngoài công lập.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của khoa học và công nghệ.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của khoa học và công nghệ.

Vai trò ngày càng rõ nét trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Tại hội thảo, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế đã trình bày báo cáo đề dẫn tổng kết hoạt động của các tổ chức KH&CN ngoài công lập thuộc hệ thống Liên Hiệp hội Việt Nam. Theo báo cáo, từ 5 tổ chức ban đầu năm 1992, đến cuối năm 2024, hệ thống này đã phát triển thành mạng lưới 575 tổ chức, một minh chứng cho sự lan tỏa của quá trình xã hội hóa trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Báo cáo tổng hợp từ 400 tổ chức cho thấy nhiều kết quả tích cực giai đoạn 2021-2024: 58 bằng sáng chế, 83 giải pháp hữu ích được cấp; gần 2.300 bài báo khoa học được đăng tải; hơn 1.000 đề tài, dự án và 2.800 hợp đồng dịch vụ KH&CN được triển khai với tổng kinh phí huy động gần 4.711 tỷ đồng. Các tổ chức cũng đã đóng góp 261 tỷ đồng tiền thuế, hơn 250 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, đồng thời thu hút 30,8 triệu USD viện trợ quốc tế.

TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Dù vậy, TS. Lê Công Lương cũng chỉ ra nhiều rào cản lớn mà các tổ chức đang gặp phải như hành lang pháp lý chưa rõ ràng, các chính sách thuế, tài chính chưa phù hợp với đặc thù phi lợi nhuận; quy định về viện trợ và đấu thầu còn chồng chéo; thiếu vốn đầu tư; cơ sở vật chất hạn chế; nhân lực thiếu ổn định; đặc biệt là khó tiếp cận các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế nội bộ và triển khai hoạt động hỗ trợ các tổ chức KH&CN, từ củng cố bộ máy, hỗ trợ pháp lý, kỹ thuật đến kết nối hợp tác chuyên môn và truyền thông. TS. Lương nhấn mạnh: "Chúng tôi xác định đây là lực lượng quan trọng trong hệ sinh thái KH&CN quốc gia, có vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội".

Ông đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới gồm: điều chỉnh các quy định pháp luật phù hợp với tính chất phi lợi nhuận; bổ sung chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới; tăng cường liên kết với doanh nghiệp, viện - trường và các tổ chức quốc tế.

Chờ cú hích chính sách, tăng liên kết hệ thống

Tham gia phát biểu tại Hội thảo, TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng: Muốn các tổ chức KH&CN ngoài công lập hoạt động hiệu quả, cần giải quyết hai bài toán là tăng cường năng lực nội tại và cải thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ.

Ông đề xuất Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành để hoàn thiện chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính - ngân sách và xã hội hóa dịch vụ công. Theo ông, cần có các kênh tài chính linh hoạt hơn, cơ chế đặt hàng minh bạch và mở rộng cơ hội cho các tổ chức ngoài công lập tiếp cận các đề tài, dự án quốc gia.

TS. Phạm Văn Tân góp ý để các tổ chức KH&CN ngoài công lập hoạt động hiệu quả hơn.

TS. Phạm Văn Tân góp ý để các tổ chức KH&CN ngoài công lập hoạt động hiệu quả hơn.

Về mặt tổ chức, TS. Tân cho rằng cần sớm xây dựng quy chế quản lý thống nhất cho toàn hệ thống, quy định rõ điều kiện thành lập, cơ cấu tổ chức, tiêu chí nhân sự, cũng như quyền và nghĩa vụ của các tổ chức KH&CN trực thuộc. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch trong hoạt động của các tổ chức.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò chủ quản của Liên hiệp Hội Việt Nam không chỉ dừng lại ở quản lý hành chính mà cần hỗ trợ thực chất hơn trong kết nối chuyên môn, hỗ trợ pháp lý, thông tin và thị trường. Cần có chương trình hoạt động hằng năm với sự tham gia của các tổ chức KH&CN, tạo thành mạng lưới tương hỗ trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn.

Động lực mới từ Nghị quyết 57 và chuyển đổi số

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt với ngành KH&CN Việt Nam, khi hàng loạt quyết sách quan trọng đã được ban hành. Đáng chú ý là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị (ngày 22/12/2024) về phát triển KH&CN trong giai đoạn mới, và Nghị quyết 03 của Chính phủ (ngày 9/1/2025) về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57. Tiếp đó, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết 193 (ngày 2/2/2025) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực này.

Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, đây là những văn kiện nền tảng, mở ra cơ hội lớn để KH&CN Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, đóng góp thực chất vào khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường. Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch số 16 để triển khai Nghị quyết 57 một cách đồng bộ, với trọng tâm là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới và khuyến khích liên kết liên ngành.

Chủ đề của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm nay: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đột phá - Đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng”, chính là lời khẳng định mạnh mẽ cho sứ mệnh của đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời đại mới.

Hội thảo kết thúc với sự thống nhất cao trong việc cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường liên kết hệ thống để các tổ chức KH&CN ngoài công lập phát triển ổn định, hiệu quả và trở thành một thành tố không thể thiếu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tao-xung-luc-moi-cho-to-chuc-khoa-hoc-cong-nghe-ngoai-cong-lap-727547.html
Zalo