Tạo việc làm cho người bị ảnh hưởng sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hỗ trợ đào tạo lại nghề và việc làm cho người bị ảnh hưởng sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy không chỉ giải quyết được vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội mà còn góp phần phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, tránh lãng phí.

Bộ phận Một cửa của quận Đống Đa, Hà Nội (Ảnh nhandan.vn)

Bộ phận Một cửa của quận Đống Đa, Hà Nội (Ảnh nhandan.vn)

Phát biểu kết luận phiên thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Cơ quan soạn thảo chưa tiếp cận vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy; vừa qua có khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy ở cấp Trung ương; nhưng hiện nay, khi tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, xã và bỏ cấp huyện thì số người bị ảnh hưởng có thể gấp đôi hoặc nhiều hơn nữa. Đối tượng nghỉ hưu trước tuổi không chỉ gồm những người còn ít năm công tác mà cả những người có thời gian làm việc lên tới 10 năm, những người đang vào độ chín của nghề.

Theo Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 vừa được ban hành, Bộ Nội vụ sẽ tập trung vào nhiệm vụ tham mưu, rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, giảm đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị gắn với tinh giản biên chế. Như vậy, thời gian tới cũng sẽ tiếp tục dôi dư số lượng không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong dự án Luật Việc làm (sửa đổi) cần lưu ý sâu hơn vấn đề xây dựng mô hình việc làm linh hoạt và các cơ chế, chính sách cho những người bị ảnh hưởng sau sắp xếp, tinh gọn, phải rời khu vực công sang khu vực tư. Bộ Nội vụ cần tiếp tục quan tâm thiết kế các cơ chế, chính sách như hỗ trợ đào tạo lại nghề, ưu tiên tuyển dụng tại các doanh nghiệp hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công mà không phải trả lương từ ngân sách nhà nước.

Nội dung nêu trên rất mới, quan trọng và cấp bách, nhưng đang có “khoảng trống” trong dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Hỗ trợ đào tạo lại nghề và việc làm cho người bị ảnh hưởng sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy không chỉ giải quyết được vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội mà còn góp phần phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, tránh lãng phí.

Cùng với tham mưu sửa đổi hoàn thiện Luật Việc làm, thời gian tới, Bộ Nội vụ cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hệ thống hóa, hợp nhất để hoàn thiện thể chế, chính sách; bảo đảm đồng bộ, cụ thể và khả thi về lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, việc làm, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, vì đây là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách; cung cấp cho doanh nghiệp góc nhìn thực tiễn về thị trường lao động để có định hướng thu hút nhân lực, nhân tài từ khu vực công chuyển sang, phù hợp nhu cầu sử dụng.

Gắn với các nội dung nêu trên, hiện nay cử tri, nhất là những người thuộc diện tinh giản biên chế, người dôi dư, nghỉ hưu trước tuổi cũng rất quan tâm, đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị và xây dựng báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc ngày 5/5) về thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội; qua đó tạo động lực phát huy hình thái nguồn nhân lực mới để bổ sung cho tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-viec-lam-cho-nguoi-bi-anh-huong-sau-sap-xep-tinh-gon-bo-may-post870425.html
Zalo