Tạo thuận lợi về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế

Ngày 30-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo phổ biến Thông tư 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám bệnh, chữa bệnh.

Quy định của Thông tư 22 có hiệu lực từ năm 2025. Theo đó, người dân mua thuốc BHYT ngoài bệnh viện có thể được cơ quan bảo hiểm hoàn tiền trong khoảng 40 ngày nếu đủ điều kiện.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ, hiện tại, vẫn có tình trạng một số cơ sở khám chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời thuốc điều trị cho người bệnh. Điều này dẫn đến việc người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài cơ sở khám chữa bệnh. Vì thế, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

 Bộ Y tế tổ chức hội thảo phổ biến Thông tư 22

Bộ Y tế tổ chức hội thảo phổ biến Thông tư 22

“Về nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh phải bằng mọi cách để mua sắm thuốc, vật y tế phục vụ cho người bệnh. Khi áp dụng thông tư này thì người bệnh cũng rất vất vả, cơ sở khám chữa bệnh cũng có trách nhiệm hơn. Cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng thực hiện nhiều thủ tục để xem xét", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

 Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo

Làm rõ nội dung liên quan đến thanh toán trực tiếp cho người bệnh BHYT mua thuốc, thiết bị y tế bên ngoài, bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, các thuốc thiếu do cơ sở y tế không mua sắm, không cung ứng được hầu hết rơi vào nhóm thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc ít nguồn cung trên thị trường. Hiện nay, danh mục thuốc hiếm được Bộ Y tế quy định có hơn 450 hoạt chất được thanh toán, chiếm gần một nửa danh mục các thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Trong đó, thuốc điều trị bệnh hiếm có khoảng 214 thuốc và hơn 217 thuốc trong danh mục ít nguồn cung trên thị trường. "Vì thế, dù được gọi là thuốc hiếm nhưng tổ hợp các sản phẩm được thanh toán trực tiếp này không phải là nhỏ”, bà Vũ Nữ Anh nêu rõ và khẳng định điều kiện áp dụng của thông tư rất chặt chẽ, không thực hiện đúng sẽ có nhiều vướng mắc.

 Đại diện các đơn vị chức năng trao đổi tại hội thảo

Đại diện các đơn vị chức năng trao đổi tại hội thảo

Trao đổi để làm rõ thêm về việc người bệnh phải trả phần chênh lệch nếu mua thuốc ở ngoài, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), khẳng định, thông tư này chỉ để giải quyết tình huống, nhằm phần nào đó đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, bù đắp một phần chi phí người bệnh tự bỏ ra chứ không phải đảm bảo toàn bộ.

"Đây chỉ là bước gỡ, là giải pháp tình thế trong giai đoạn ngắn. Bộ Y tế đang đề xuất thay vì người bệnh phải trực tiếp thanh toán với cơ quan BHXH thì cần có cơ chế để bệnh viện chi trả cho người bệnh, rồi bệnh viện thanh toán lại với cơ quan BHXH, để giảm thủ tục cho người bệnh", bà Trần Thị Trang nói và cho biết, theo kết quả khảo sát từ hơn 600 bệnh viện, khoảng 30% thuốc hiếm mà bệnh viện đang thiếu không nằm trong danh mục thuốc hiếm được BHYT chi trả. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tìm các giải pháp để giải quyết các vấn đề mà Thông tư 22 chưa bao quát hết.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-thuan-loi-ve-thanh-toan-chi-phi-thuoc-thiet-bi-y-te-cho-nguoi-co-the-bao-hiem-y-te-post766040.html
Zalo