Tạo thuận lợi cho nhà giáo khi thuyên chuyển
Dự thảo Luật Nhà giáo vừa được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7. Dự thảo luật đã khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nhà giáo. Tuy vậy, đối với vấn đề thuyên chuyển nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ để giáo viên không gặp khó khi thuyên chuyển.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Thuyên chuyển là việc nhà giáo chuyển từ cơ sở giáo dục này đến cơ sở giáo dục khác hoặc cơ quan, đơn vị khác theo nguyện vọng cá nhân, được sự đồng ý của cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đi và chuyển đến. Đây là một chính sách nhân văn, đáp ứng được nguyện vọng của giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai chính sách này đã bộc lộ những bất cập do thiếu quy định cụ thể.
Cũng bởi thiếu những quy định cụ thể nên việc thuyên chuyển giáo viên còn thiếu minh bạch, khách quan. Có tình trạng giáo viên ở vùng giáp khó khăn lại muốn “xin” đi xã vùng sâu, biên giới để được hưởng mức lương, phụ cấp cao hơn. Nhưng ở một góc độ khác, có những giáo viên có nguyện vọng chuyển đi nơi khác bị gặp khó. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chính sách thuyên chuyển có thể bị áp dụng tùy nghi.
Thực tế cho thấy, nhiều nhà giáo gặp phải tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi xin thuyên chuyển cơ sở giáo dục. Nơi họ đang công tác thường không muốn cho đi vì tình trạng thiếu giáo viên ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục ở nơi đến lại từ chối tiếp nhận. Hậu quả của tình trạng này là giáo viên phải trải qua quá trình “xin xỏ” đầy khó khăn, tốn kém thời gian và công sức. Giáo viên phải đối mặt với nhiều áp lực, thậm chí là những hành vi tiêu cực để có thể đạt được nguyện vọng thuyên chuyển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của giáo viên mà còn gây ra những hệ lụy tiêu cực đến chất lượng giáo dục tại những vùng khó khăn. Những chia sẻ rất thẳng thắn của đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) một lần nữa cho thấy dù những hạn chế không nhiều nhưng vẫn xảy ra tình trạng tiêu cực trong công tác thuyên chuyển giáo viên thời gian qua.
Nhằm khắc phục bất cập về chính sách thuyên chuyển giáo viên, dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định: Nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận. Quy định này của dự thảo Luật thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước đến những giáo viên đã cống hiến tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Muốn nhà giáo gắn bó, yên tâm cống hiến với nghề, cần có những chính sách tương xứng, trong đó có chính sách thuyên chuyển công tác đối với giáo viên. Để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà giáo, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục nơi đến trong việc tiếp nhận nhà giáo thuyên chuyển. Theo đó, cần quy định rõ tiêu chí và quy trình tiếp nhận rõ ràng, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục trong việc điều phối quá trình thực hiện việc thuyên chuyển của nhà giáo. Hơn lúc nào hết, cơ quan quản lý giáo dục thể hiện rõ trách nhiệm trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của giáo viên, bảo đảm quá trình thuyên chuyển diễn ra một cách thuận lợi và công bằng.
Và đặc biệt, cần có cơ chế giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp từ chối tiếp nhận khi giáo viên thuyên chuyển mà không có lý do chính đáng. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng thuyên chuyển tùy nghi, thiếu công bằng, minh bạch.