Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bằng thể chế, hạ tầng và quản trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tinh thần của Chính phủ là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam - Ảnh: VGP

Lắng nghe chia sẻ của lãnh đạo các Bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự tin tưởng và tự hào về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh và trưởng thành, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng vươn mình mạnh mẽ

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Thủ tướng nêu một số điểm sáng cho thấy sự phát triển, vươn mình mạnh mẽ và đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Cụ thể, sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong vòng 20 năm (2004-2023) đã đạt hơn 1,88 triệu, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004. Lũy kế giai đoạn 2000 - 2024, số doanh nghiệp thành lập mới dự báo sẽ vượt con số 2,1 triệu. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tăng khoảng 8,4 lần, từ 1,1 doanh nghiệp/1000 dân năm 2004 lên 9,2 doanh nghiệp/1000 dân năm 2023.

Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

"Đã có các doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thương hiệu quốc gia, như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, THACO, Hòa Phát, TH, Vinamilk, Masan...," Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyền đổi xanh, chuyên đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và luôn nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, vượt khổ, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh thách thức để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, sinh kế cho người dân.

Đồng thời, các doanh nghiệp, doanh nhân đã thường xuyên, tích cực đóng góp vào việc thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng chính sách và pháp luật; góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thể chế - hạ tầng - quản trị tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Thời gian tới, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị của đất đai.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển nhanh, bền vững trong thời đại hòa bình.

"Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được," Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng trao đổi với các doanh nhân bên lề cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP

Thủ tướng trao đổi với các doanh nhân bên lề cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP

Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội

Về phía doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong:

Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), đặc biệt là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…)

Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, bảo đảm đủ năng lượng, cung cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển).

Thứ tư, tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

Thứ năm, tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không bỏ ai bị bỏ lại phía sau, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.

"Với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, hãy cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển, cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào," Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, đạt được mục tiêu như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

"Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần này bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao", người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-phat-trien-bang-the-che-ha-tang-va-quan-tri-34038.html
Zalo