Tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt

Tại Thái Nguyên, từ các tuyến phố sầm uất đến những vùng quê yên bình, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến. Từ các giao dịch lớn như hóa đơn điện, nước, dịch vụ công, đến những khoản chi nhỏ như ly trà đá hay bó rau ngoài chợ, việc chuyển khoản, quét mã QR dần trở thành lựa chọn quen thuộc của cả người mua và người bán.

Người dân Thái Nguyên ngày càng ưu tiên thanh toán chuyển khoản trong các giao dịch thường nhật.

Người dân Thái Nguyên ngày càng ưu tiên thanh toán chuyển khoản trong các giao dịch thường nhật.

Tại một cửa hàng thời trang trên đường Bến Tượng - một trong những tuyến phố sầm uất ở TP. Thái Nguyên, sự chuyển đổi trong thói quen tiêu dùng đã hiện lên rõ nét. Chỉ với lời đề nghị từ nhân viên: “Chị chuyển khoản giúp em nhé, bên em giờ chủ yếu giao dịch online” đã cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành điều quen thuộc.

Không chỉ giới hạn ở những cửa hàng lớn, xu hướng này đang lan tỏa khắp các phố phường và cả những vùng nông thôn, chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể thay thế ví tiền trong những giao dịch thường nhật.

Chị Nguyễn Trang, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Bến Tượng: Hơn 90% giao dịch tại đây được thực hiện qua mã QR hoặc ứng dụng ngân hàng. Khách hàng giờ đi mua sắm chỉ cần mang theo điện thoại.

Không cần mang theo nhiều tiền mặt trong ví, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại, việc thanh toán diễn ra nhanh chóng, thuận tiện. Không chỉ các cửa hàng thời trang, tại nhiều siêu thị mini, quán cà phê, cửa hàng mỹ phẩm trên địa bàn thành phố cũng có sự lan tỏa mạnh mẽ của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Chị Phạm Thanh Tuyền, ở phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Hiện nay, khi đi uống cà phê hay đi chợ, tôi đều ưu tiên thanh toán chuyển khoản để thuận tiện hơn. Việc mang theo nhiều tiền mặt vừa bất tiện vừa không còn cần thiết như trước.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 287 máy ATM, trên 4.070 thiết bị POS, trên 3.650 đơn vị chấp nhận thẻ trải rộng khắp các thành phố và các huyện.

Hạ tầng ngân hàng được củng cố với 30 chi nhánh ngân hàng thương mại, 9 chi nhánh cấp huyện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cùng hàng trăm phòng giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ thanh toán điện tử.

Đáng chú ý, số lượng tài khoản thanh toán gắn với đối chiếu sinh trắc học căn cước công dân gắn chip hoặc tài khoản VNeID trên địa bàn tỉnh đã đạt 1,2 triệu tài khoản, với tỷ lệ đối chiếu sinh trắc học đạt 84%, cao so với mặt bằng chung của cả nước.

Không chỉ trong giao dịch mua bán hàng hóa, các dịch vụ công như đóng tiền điện, học phí, viện phí cũng đồng loạt triển khai thanh toán không tiền mặt. Từ ngày 1/7/2025, Công ty Điện lực Thái Nguyên sẽ ngừng thu tiền điện trực tiếp, chuyển toàn bộ sang hình thức thanh toán qua ngân hàng hoặc ví điện tử.

Sự bứt phá trong lĩnh vực kinh tế số tại Thái Nguyên cũng đóng vai trò nền tảng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hoạt động thương mại điện tử sôi động, với 181 website bán hàng đã được đăng ký với Bộ Công Thương, hơn 80 doanh nghiệp, hợp tác xã được tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng TikTok, cùng với sự phát triển của sàn thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ: www.thainguyentrade.vn.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai mô hình chợ 4.0 tại 107 chợ truyền thống, đạt 100% các chợ đủ điều kiện. Dịch vụ Mobile Money cũng phát triển mạnh với hơn 513.000 khách hàng và hơn 9.300 điểm chấp nhận thanh toán. Riêng Viettel Money đã có hơn 417.000 khách hàng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Với hạ tầng ngân hàng hiện đại, sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang từng bước trở thành xu hướng tất yếu trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số hiện đại trong tương lai không xa.

Minh Anh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/tao-thoi-quen-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-6aa1cc4/
Zalo